Sân bay Côn Đảo có thể đón 2 triệu khách/năm trong tương lai
Cảng Hàng không Côn Đảo (BR-VT) sẽ được nâng cấp với sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách công suất 2 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 4.400 tấn hàng/năm... và mở rộng, nâng cấp các công trình, sân đỗ tàu bay hiện hữu. Chủ đầu tư quyết tâm, địa phương hỗ trợ tích cực để dự án hoàn thành trong 8 tháng thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 17/2. |
8 tháng dừng hoạt động để thực hiện dự án
Sáng 18/2, Đoàn công tác của Bộ GT-VT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dẫn đầu, gồm: lãnh đạo Cục Hàng không, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình, đại diện chủ đầu tư và Binh đoàn 18 (Bộ Quốc Phòng), trực tiếp ra Côn Đảo phối hợp với Sở GT-VT (huyện Côn Đảo) để khảo sát thực tế dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Trước đó, chiều 17/2, đoàn công tác của Bộ GT-VT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để trao đổi về việc mở rộng, nâng cấp sân bay Côn Đảo. Tại buổi làm việc, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, sân bay Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách đưa vào khai thác năm 2005 với công suất thiết kế 400 ngàn khách/năm.
Hiện sân bay Côn Đảo đang phục vụ khai thác cho 3 hãng hàng không nội địa, gồm: Vasco, Bambo, Vietnam Airlines với 3 đường bay nội địa từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất khai thác 20-22 chuyến/ngày. Trong giai đoạn 2016-2020 sản lượng vận chuyển hành khách qua cảng tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng 14%/năm. Năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng hành khách giảm, nhưng dự báo giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng 15%-20%.
Bộ GT-VT đã công bố Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 vị trí đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay Code C. |
Trước thực trạng đó, Bộ GT-VT đã công bố Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 vị trí đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay Code C. Bộ GT-VT cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình tại Cảng hàng không Côn Đảo trong kế hoạch trung hạn 2021-2026.
Các hạng mục đầu tư xây dựng tại cảng hàng không Côn Đảo, bao gồm: xây dựng nhà ga công suất 2 triệu hành khách/năm, mở rộng sân đỗ tàu bay thành 8 vị trí; cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh dài 1.830mx45m (hiện là 1.830mx30m), hệ thống đèn tín hiệu; công trình quản lý bay. Tổng mức đầu tư dự kiến của 3 công trình hơn 3.794 tỷ đồng với 3 chủ đầu tư, gồm: Cục Hàng không, Tổng Công ty Quản lý bay và Tổng Công ty Cảng hàng không.
Để bảo đảm triển khai dự án thuận lợi, thông suốt, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sớm theo tiến độ dự án. Ngoài ra, đề nghị tỉnh công bố giá nguyên vật liệu xây dựng năm 2022 để Cục Hàng không Việt Nam và các chủ đầu tư làm cơ sở tính toán, lập dự án, giới thiệu các khu vật liệu trên đảo.
Thiết lập bến cảng tạm thời, bãi tập kết tạm thời để phục vụ công tác xử lý nguyên vật liệu thi công. UBND tỉnh xem xét sớm có phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực khoảng 3ha.
Tỉnh BR-VT chủ động rà soát các thủ tục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm thống nhất, đồng bộ các dự án giao thông kết nối với sự phát triển của Cảng Hàng không Côn Đảo.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Binh đoàn 18 thống nhất triển khai dự án theo quy hoạch tại khu vực dùng chung, hiện tại đang làm thủ tục hoàn thiện phương án phân định ranh giới. Đối với đất xây dựng đường lăn, đề nghị Binh đoàn 18 hỗ trợ và thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai dự án theo quy hoạch.
Đối với các công trình quản lý điều hành bay do Tổng Công ty Quản lý bay (VATM) làm chủ đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin về hiện trạng đất xây dựng các công trình theo quy hoạch. Theo đó, làm rõ vấn đề công trình đài kiểm soát không lưu xây mới có nằm trong khu vực đất rừng phòng hộ của huyện Côn Đảo hay không, để căn cứ triển khai hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nếu các thủ tục được thực hiện sớm, dự án có thể khởi công đầu năm 2023 và hoàn thành trong 8 tháng thi công.
Khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng ở Côn Đảo. |
Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng
Tại buổi làm việc, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận sự tích cực của Bộ GT-VT trong việc chuẩn bị cho dự án. Việc Bộ GT-VT đưa dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo vào nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2026 là một sự quan tâm rất lớn của Bộ GT-VT và Chính phủ. Ông Thanh cho rằng, việc đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo không chỉ cho tỉnh BR-VT mà vì lợi ích phát triển chung của đất nước.
Theo ông Phạm Viết Thanh, khi triển khai cần thực hiện đồng bộ, hoàn thành cùng một lúc để đưa vào khai thác cùng một thời điểm, tránh tình trạng hạng mục này xong mà hạng mục khác chưa xong sẽ dẫn đến quá tải. “Những phần nào thuộc trách nhiệm của địa phương, chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm. Những công việc như: cầu tạm, nguồn vật liệu, chuyển đổi đất rừng… địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn để thực hiện nhanh nhất”, ông Thanh khẳng định.
Để thực hiện dự án, tỉnh BR-VT phân công ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách để có những chỉ đạo sát sao, kịp thời. Công tác GPMB và chuyển đổi đất rừng để phục vụ dự án mất rất nhiều thời gian, vì vậy địa phương đề nghị chủ đầu tư, tư vấn sớm có báo cáo về diện tích đất cần thu hồi để thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng.
“Công tác bồi thường GPMB sẽ mất nhiều thời gian, để 15/2/2023 thực hiện xong thì ngay bây giờ phải có phương án thực hiện. Riêng về công bố giá vật liệu, do Côn Đảo không có mỏ vật liệu, vì vậy trong quá trình thực hiện tỉnh sẽ phối hợp khảo sát, công bố. Về quy hoạch sử dụng đất cũng đã đưa vào kế hoạch 5 năm và hàng năm”, ông Lê Ngọc Khánh cho biết tại cuộc họp.
Về phía địa phương, ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, huyện Côn Đảo sẽ phối hợp với chủ đầu tư để sớm triển khai dự án. “Vấn đề tái định cư cho dân, hiện huyện đang triển khai xây dựng khu tái định cư trên địa bàn. Khu này bảo đảm bố trí 100 suất tái định cư cho người dân có đất nằm trong dự án bị thu hồi”, ông Phong cho biết.
“Các dự án thành phần của dự án nằm trong diện tích ngoài 3 loại rừng chứ không phải rừng phòng hộ, chủ yếu là rừng cây bụi, nhưng có rừng nên thủ tục phải chuyển đổi. Nếu liên quan tới rừng tự nhiên phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cần xác định sớm vị trí cụ thể để làm thủ tục chuyển đổi đất rừng. Riêng vị trí dự kiến làm cầu cảng tạm để tập kết vật liệu không nằm trong khu vực bảo tồn biển nên cũng thuận lợi và không bị cấm”, ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết, ngay sau chuyến khảo sát ngày 18/2, Đoàn công tác sẽ có báo cáo chi tiết, cụ thể về quy mô dự án, các khu vực cần thu hồi đất, số hộ bị ảnh hưởng, diện tích đất rừng cần thu hồi… để phối hợp với tỉnh BR-VT thực hiện sớm các khâu thủ tục.
Đối với thời gian đóng cửa sân bay để phục vụ dự án, sau khi có báo cáo chi tiết của đoàn kiểm tra, chủ đầu tư, tư vấn và các bên liên quan… sẽ xin ý kiến của địa phương để chốt thời gian cụ thể ngày đóng cửa và ngày mở cửa khai thác trở lại sân bay sau khi dự án hoàn thành.
Bài, ảnh: THÀNH HUY