Tìm giải pháp để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản của Việt Nam
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, dự kiến đầu tháng 3, Phiên họp lần thứ 2 của Tiểu ban SPS thuộc Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ diễn ra.
Tại phiên họp, Văn phòng SPS Việt Nam dự kiến sẽ thảo luận về phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long của Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra đối với các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; việc yêu cầu bổ sung chứng thư (health report) và báo cáo kiểm nghiệm (test report) với chỉ tiêu Ethylene oxide đối với các sản phẩm thực phẩm ăn liền nhập khẩu vào EU.
Thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng sẽ cập nhật tiến độ thực thi cam kết SPS của Hiệp định EVFTA; cập nhật danh sách doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục nhận được từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu, số tham chiếu 2022.0428 đối với sản phẩm mì ăn liền nhãn hiệu “Đệ nhất mì gà".
Mối nguy là chứa 2-Chloroethanol ở mức 1,6 mg/kg. Nhà sản xuất là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Quốc gia thông báo là Đức.
Với sản phẩm thủy sản, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu về sản phẩm đùi ếch của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu Thực phẩm Diệp Long (Thành phố Hồ Chí Minh) với mối nguy dư lượng thuốc thú y 3-Amino-2-oxazolidinone (AOZ) ở mức 10 (± 2,6) µg/kg; sản phẩm bị Đan Mạch và Bỉ thu hồi.
Sản phẩm mực nang đông lạnh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Minh Tài (Kiên Giang) với mối nguy là dư lượng kim loại nặng Cadmium ở mức 2,1±0,18 mg/kg; quốc gia thông báo là Italy.
Sản phẩm càphê hòa tan của Công ty trách nhiệm hữu hạn càphê Ngon (Đắk Lắk) cũng bị cảnh báo với mối nguy chứa độc tố ochratoxin A (17,36 µg/kg); Romania thu hồi sản phẩm.
Văn phòng SPS Việt Nam đã có các văn bản đề nghị các đơn vị chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra và yêu cầu các nhà sản xuất có sản phẩm nêu trên rà soát các khâu trong chuỗi quản lý để xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
BÍCH HỒNG