Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái pháp luật, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành khai thác thủy sản.
Những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” EC. Trong ảnh: Tàu thuyền neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão Bình Châu - Bến Lội (huyện Xuyên Mộc). |
Tình trạng vi phạm giảm đáng kể
Trong những năm qua, việc Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cảnh báo “thẻ vàng” đã gây nhiều bất lợi cho ngành sản xuất, khai thác thủy sản cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng của các ngành chức năng, số vụ vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Theo đó, nếu như trong năm 2019, xảy ra 14 vụ tàu cá vi phạm thì đến năm 2021 đã giảm còn 4 vụ.
Ngư dân Trần Văn An (ấp Hải An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) có 2 tàu đánh bắt xa bờ. Thực hiện chủ trương của địa phương, năm 2019, ông đã đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát và ghi sổ nhật ký khai thác cho 2 tàu cá nói trên. Ngoài ra, trong quá trình đánh bắt xa bờ, ông được lực lượng chức năng, Ban Quản lý cảng cá hướng dẫn, giải thích về các quy định trong đánh bắt trên biển, chỉ rõ trên bản đồ, nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép đánh bắt. Nhờ đó, tàu của ông dù đánh bắt xa bờ nhưng chưa lần nào vi phạm các quy định của pháp luật.
Số vụ vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài trên dịa bàn tỉnh trong những năm qua đã giảm thiểu đáng kể. Trong ảnh: Ngư dân xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) chuẩn bị ra khơi. |
“Bao nhiêu năm làm nghề đánh bắt trên biển tự do nên ban đầu chúng tôi thực hiện việc ghi chép, báo cáo còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi thiết bị được lắp đặt, tôi lại thấy được sự hữu ích mà nó mang lại. Trong đó, hiệu quả nhất vẫn là được lực lượng chức năng nhắc nhở, hỗ trợ khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước bạn, hay nếu trường hợp gặp tai nạn, mưa bão cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí của mình nhanh và chính xác hơn, nhờ đó tàu cá và ngư dân chúng tôi được an toàn hơn. Do vậy, chúng tôi thường xuyên nhắc nhau tuân thủ vùng đánh bắt, không xâm phạm vùng biển nước ngoài”, ông An cho hay.
Việc EC áp dụng “thẻ vàng” đã mang lại nhiều hệ lụy cho ngành khai thác, đánh bắt thủy sản trong những năm qua. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) chuẩn bị ra khơi. |
Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Giám đốc Cảng cá BR-VT cho biết, là đơn vị quản lý số lượng tàu thuyền ra khơi hàng ngày tương đối lớn, Ban quản lý Cảng đã chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập bến, ghi chép nhật ký hành trình của các tàu thuyền, kiên quyết không ký lệnh xuất bến cho những tàu cá, chủ tàu không tuân thủ quy định về việc đánh bắt…
Đơn vị cũng phối hợp lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai. Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt; tăng cường các biện pháp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết: Thực hiện các khuyến nghị của EC, ngành NN-PTNT tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn và công tác chống khai thác bất hợp pháp cho cán bộ quản lý thủy sản các địa phương, các Ban Quản lý cảng cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, DN thủy sản và bà con ngư dân, nhất là các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm. Đồng thời phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát tại các đồn, trạm, tổ chức cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản...
Ngày 24/1/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 2277-CV-TU yêu cầu các ban cán sự đảng, đảng đoàn, UBKT và các ban của Tỉnh ủy, các cấp trực thuộc Tỉnh ủy, đoàn thể tăng cường thực hiện các nhiệm vụ như tuyên truyền, ngăn chặn khai thác, đánh bắt hải sản trái pháp luật với quyết tâm chính trị cao nhất, bằng những hành động thiết thực, hiệu quả nhất, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá của tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt hải sản trái phép... |
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Xác định UBND cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền ngư dân đối với công tác chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã và đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp. Trong đó, yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động đến từng nhà, chủ tàu cá. Đặc biệt là các tàu cá đã từng vi phạm khai thác IUU. Đồng thời có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm bắt địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đến nay, tỉnh cũng đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp với một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận và Kiên Giang để quản lý, xử lý tàu cá vi phạm và phối hợp khắc phục "thẻ vàng" của EC; đồng thời bắt buộc các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không bị phạm vùng biển nước ngoài trước khi xuất bến.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; khoanh vùng các tàu có nguy cơ cao vi phạm để giám sát đặc biệt và xử lý mạnh mẽ tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; giám sát tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và rà soát lại quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy, nhằm kiểm tra chặt chẽ nguồn nguyên liệu của các DN xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sử dụng nghề cấm, khai thác sai vùng biển và vi phạm về khai thác IUU.
“Hiện nay, các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh trước khi ra khơi, đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản. Khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu điện thoại "lệnh" cho thuyền trưởng bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt nghiêm và mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật”, ông Cường thông tin.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Tính đến tháng 2/2022, số lượng tàu khai thác vùng khơi đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.571. Trong đó, số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 270. Ngoài ra, đã có 829 tàu cá lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700. Nhờ đó, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp đã giảm đáng kể. |