Hàng hóa phong phú, sức mua chưa nhiều
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi của người dân, từ mùng 2 Tết một số siêu thị, chợ đã mở cửa kinh doanh trở lại. Ghi nhận từ mùng 2 Tết đến mùng 6 Tết, tại các siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh, hàng hóa phong phú nhưng sức mua chưa nhiều.
Người dân chọn mua hải sản tại chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu). |
Giá hải sản ở chợ tăng cao
Sáng mùng 6 Tết, tại Lotte Mart Vũng Tàu, lượng người đến tham quan mua sắm không quá đông. Đại diện Lotte Mart Vũng Tàu cho biết, siêu thị chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết. Mùng 2 siêu thị mở cửa đón khách từ 12 giờ đến 21 giờ. Mùng 3 Tết, siêu thị trở lại hoạt động bình thường. Hàng hóa tại siêu thị được bảo đảm, nhất là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Giá cả không có biến động so với ngày 29 Tết cũng như những ngày trước đó. Ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống Lotte Mart Vũng Tàu cho biết, trung bình từ mùng 2 Tết đến mùng 6 Tết siêu thị đón hơn 6.000 lượt khách/ngày đến tham quan, mua sắm.
Từ ngày mùng 2 Tết, tại các chợ truyền thống cũng đã mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Qua khảo sát, giá cả nhóm hải sản tăng cao, từ 15.000-170 ngàn đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, móng tay: 50.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng); tôm sú dao động từ 230-350 ngàn đồng/kg tùy loại (tăng từ 50.000-80.000 đồng); mực nang: 150-200 ngàn đồng/kg (tăng 30.000 đồng); ghẹ loại 1 có giá 750 ngàn đồng/kg (tăng 150 ngàn đồng), cua gạch: 700 ngàn đồng/kg (tăng 170 ngàn đồng)…
Nhóm mặt hàng rau, củ, quả cũng tăng 10-20%. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) cho biết, mấy ngày sau Tết, một số loại rau ăn lá như: xà lách, súp lơ, rau cần, cải cúc… hút khách do người dân mua về ăn lẩu, giá các mặt hàng này chỉ tăng từ 1.000-5.000 đồng/kg (tùy loại) do nhà vườn đã dồn vào những ngày giáp Tết nên đầu năm nguồn hàng ít, khiến giá tăng.
Ghi nhận tại một số chợ khác trong tỉnh như: chợ Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), chợ Long Điền, chợ Phước Tỉnh (huyện Long Điền), chợ Bà Rịa (TP. Bà Rịa)… sức mua chưa nhiều. Theo các tiểu thương, những năm gần đây, tâm lý người dân đã thay đổi, không còn mua sắm nhiều thực phẩm để tích trữ trong những ngày Tết, nên nhà vườn, tiểu thương cũng tính toán để có thực phẩm, rau, củ bán liên tục.
Trong các ngày giáp Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường giám sát đối với các tổ chức kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ biển, điểm giữ xe trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát 419 cơ sở cho thấy, các cơ sở thực hiện tốt việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết và bán đúng giá niêm yết. Đơn vị chưa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về giá cả, chặt chém, gian lận về đo lường và ngộ độc thực phẩm. Trong những ngày Tết, qua kiểm tra đã phát hiện 4 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng QLTT tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 209,2 triệu đồng. |
Mua sắm an toàn
Ghi nhận tại các trung tâm thương mại, siêu thị cho thấy, tất cả đều duy trì quy định về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí nước xịt tay sát khuẩn, thực hiện đo nhiệt độ… để bảo đảm phòng, chống dịch triệt để, tạo điều kiện để khách hàng yên tâm mua sắm.
Tại các chợ truyền thống, BQL chợ cũng tăng cường kiểm soát và nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Chị Đào Thị Huyền, người dân thị trấn Đất Đỏ cho biết, mặc dù hiện nay, nhịp sống đã trở lại bình thường, thích ứng an toàn với dịch, nhưng chị cũng chủ động thực hiện 5K khi đến chỗ đông người. “Việc thực hiện 5K đã trở thành thói quen của tôi khi ra khỏi nhà. Trong dịp Tết, người dân các tỉnh đổ về BR-VT du xuân nên việc chủ động bảo vệ mình là việc làm cần thiết, góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm”, chị Huyền nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU