Thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như tổ chức chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp đã chú trọng đầu tư cho cây trồng chủ lực, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.
Ông Nguyễn Tấn Minh (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) pha chế các loại vi sinh để tưới cho cây bưởi. |
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
Sau 2 năm chuyển sang canh tác theo phương pháp hữu cơ, vườn bưởi của ông Nguyễn Tấn Minh (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) đã cho mùa quả ngọt, sạch và được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết làm quang vườn thì chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ.
Ông Nguyễn Tấn Minh cho hay, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ vi sinh mà chi phí đã giảm hẳn. Nếu như trước dây 1ha bưởi tốn khoảng 300 triệu đồng, thì nay chỉ tốn khoảng 180 triệu đồng/ha. Sản lượng từ năm thứ 2 sau chuyển đổi cũng đã tăng 20-30% so với năm ngoái. Đặc biệt, giá bán luôn được thương lái thu mua cao hơn phương thức truyền thống 5-10 ngàn đồng/kg.
Khoảng 4 năm trở lại đây, cây ca cao trên địa bàn tỉnh đang dần “hồi sinh” mạnh mẽ nhờ sự thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững. Với hình thức liên kết giữa nông dân và DN đã giúp cây ca cao trên địa bàn huyện Châu Đức có hướng đi mới. Theo đó, Công ty TNHH SX ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã hỗ trợ các hộ tham gia liên kết về giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với điều kiện các sản phẩm phải được trồng và chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn ogannic, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Sau thời gian chuyển đổi, sản phẩm ca cao của tỉnh đã đủ sức chinh phục các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu. Thương hiệu ca cao BR-VT cũng từ đó từng bước được khẳng định trên thị trường quốc tế. Hiện trên địa bàn huyện Châu Đức, diện tích ca cao liên kết đã được mở rộng khoảng 200ha, dự kiến trong năm 2022, Công ty TNHH SX ca cao Thành Đạt sẽ mở rộng liên kết lên đến 500ha.
Ngoài ra, hồ tiêu cũng là sản phẩm nông nghiệp được liên kết với DN để hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao. Dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững” trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với tổng diện tích gần 1.300ha do Sở NN-PTNT phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh và các DN như Công ty Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam, Công ty Harris Freeman triển khai từ năm 2013 đến nay đã gặt hái được thành công đáng kể. Với việc sản xuất theo phương pháp canh tác hữu cơ, nông dân đã thay đổi cách sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại để chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ (phân bò, phân dê…). Sản phẩm làm ra được các DN thu mua với giá ổn định.
HƯỚNG TỚI SẢN XUẤT TẬP TRUNG
Theo báo cáo của Chi cục TT&BVTV (Sở NN-PTNT), hiện nay, diện tích các loại cây nguyên liệu trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 112.825ha. Thời gian qua, những loại cây trồng chủ lực của tỉnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Do đó, cần nhiều biện pháp như: sắp xếp lại diện tích, tăng liên kết, chế biến sâu để nâng cao hiệu quả canh tác.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai một số giải pháp căn cơ để phát triển bền vững các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh như: bưởi da xanh, hồ tiêu, ca cao, thanh long… Trong đó, ngành sẽ triển khai quy hoạch lại các vùng trồng trọt trên địa bàn tỉnh, để hình thành các vùng sản xuất tập trung. Song song đó, ngành nông nghiệp cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như hỗ trợ bà con nông dân sản xuất có chứng nhận, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất như tưới nước, làm đất, thu hoạch nhằm giảm chi phí sản xuất; xây dựng quy trình chuẩn thâm canh bền vững để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là quy trình thu hái, bảo quản nông sản.
“Ngoài việc tiến tới sản xuất tập trung theo vùng quy hoạch, sản xuất có chứng nhận, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh các mô hình liên kết với nông dân qua mô hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác; nông dân liên kết với DN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để tạo ra nông sản an toàn, chất lượng cao, đầu ra ổn định, bà con yên tâm sản xuất …”, ông Đức thông tin thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC