.

Nông dân giảm diện tích trồng rau vụ Tết

Cập nhật: 23:18, 10/01/2022 (GMT+7)

Mọi năm, các nhà vườn luôn đặt nhiều kỳ vọng vào vụ rau Tết, bởi vào dịp này, lượng rau tiêu thụ lớn, giá cả cao hơn so với ngày thường, lợi nhuận cao hơn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá các loại rau giảm mạnh, đầu ra cũng khó khăn hơn trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã giảm diện tích trồng rau vụ Tết.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, diện tích rau vụ Tết trên địa bàn tỉnh giảm so với mọi năm.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, diện tích rau vụ Tết trên địa bàn tỉnh giảm so với mọi năm.

Từ khi tỉnh thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19”, vào tháng 10/2021 đến nay, giá rau xanh trong toàn tỉnh giảm mạnh, trong khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng lại tăng cao. Vì vậy, chuẩn bị cho vụ Tết Nhâm Dần, thay vì mở rộng diện tích sản xuất, nhiều hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh đã giảm diện tích, thậm chí có hộ không xuống giống vụ này.

Thời điểm này mọi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thuyên, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ trồng vụ rau Tết trên diện tích 2.500m2, thu lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng. Vụ Tết năm nay, ông không dám đầu tư vì lo ngại khó tiêu thụ, giá rẻ. Theo ông Thuyên, vụ rau Tết năm ngoái, gia đình ông đã thua lỗ do giá rau rẻ và không bán được cho thương lái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá rau giảm mạnh, đầu ra gặp khó khăn, trong khi đầu tư vụ rau Tết vất vả hơn, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… năm nay cũng tăng cao hơn.

“2 năm trở lại đây, gia đình tôi không dám đầu tư trồng rau vụ Tết, bởi lo ngại khó tiêu thụ. Nhiều hộ trong thôn cũng có tâm lý tương tự, nên chỉ có một số ít hộ trồng”, ông Thuyên chia sẻ.

Trong khi đó, gia đình ông Hồ Văn On (xã Tân Hải) đã giảm 2/3 diện tích trồng rau so với vụ Tết năm ngoái, khi chỉ xuống giống khoảng 1.000m2 chủ yếu các loại rau thơm, ngò... Ông On cho hay, mọi năm nông dân hay trồng súp lơ, su hào phục vụ thị trường Tết. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khó khăn. Cùng với đó, phân bón, chi phí tăng, nên nhà vườn hạn chế diện tích trồng rau. “Dự đoán vụ rau Tết năm nay ít có lãi, bởi chi phí đầu tư cao, trong khi giá cả không tăng nên không mấy hộ mặn mà. Nhiều hộ đợi qua Tết mới xuống giống lại”, ông On chia sẻ.

Theo các hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh, giá rau xanh các loại đang giảm mạnh. Cụ thể: súp lơ 13 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 2.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg; hành lá 15 ngàn đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; rau muống 8.000 đồng/bó, giảm 2.000 đồng/bó so với mọi năm. Riêng đối với rau cần tây, những ngày qua không có thương lái thu mua nên một nhà vườn đành nhổ bỏ.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000ha rồng rau các loại. Thông thường mọi năm, diện tích rau vụ Tết khoảng 1.000ha nhưng năm nay, diện tích trông rau vụ Tết giảm 20%. Diện tích giảm nên sản lượng rau vụ Tết được dự báo cũng giảm theo, ước tính đạt khoảng 1.200 tấn.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để tiêu thụ rau màu tốt trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nông dân không nên trồng tập trung một loại mà nên trồng nhiều loại rau khác nhau trên cùng diện tích. Đặc biệt, nông dân nên trồng rải vụ để bảo đảm có rau bán sau Tết. Về chăm sóc rau, bà con cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc sinh học, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như bảo quản được lâu hơn…

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.