Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thế nhưng, hầu hết các chủ vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh đang thấp thỏm không yên, khi mà đến nay vẫn trong cảnh đìu hiu bởi rất ít thương lái đặt hàng.
Các hộ trồng hoa tại phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa chủ động giảm diện tích do lo sợ đầu ra. |
Vắng bóng người mua
Nếu như thời điểm này năm ngoái, vườn lan của gia đình ông Nguyễn Ngọc Khanh (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) đã tấp nập người ra vào thì năm nay thưa thớt khách, thậm chí khách quen những năm trước cũng không thấy đâu. “Năm nay, tôi dự kiến cung cấp cho thị trường Tết khoảng 3.500 chậu lan ngọc điểm, denro... nhưng thị trường ảm đạm chưa từng có. Dù đã tới thời điểm cận kề Tết, song lượng lan bán ra mới chỉ được khoảng 30% so với năm ngoái”, ông Khanh cho biết.
Khách vắng, nên giá bán hoa lan năm nay cũng giảm đáng kể, dao động từ 100-150 ngàn đồng/chậu, giảm khoảng 20-30 ngàn đồng/chậu so với năm ngoái. “Trước đây, thu nhập từ vườn lan trong vụ Tết của gia đình tôi khoảng 70-80 triệu đồng, nhưng với tình hình như hiện nay chắc nhà vườn chúng tôi chỉ có thể để lan chơi Tết thôi”, ông Khanh buồn rầu cho thêm.
Vườn mai Lê Bá Sanh (ấp Tây, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) cũng trong cảnh tương tự. Bà Lê Thị Thanh, chủ vườn cho biết, vườn mai của gia đình bà đã trồng được 30 năm tuổi, nhưng chưa năm nào rơi vào tình trạng vắng khách như năm nay. Mọi năm, thời điểm này khách hàng đã gọi điện đặt mua hết 50% số mai trong vườn và hẹn gần đến Tết chở về. Tuy nhiên, năm nay nhiều khách quen đã từ chối đặt mai. “Lý do khách hàng đưa ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh, buôn bán của họ bị thiệt hại nặng nề nên thắt chặt chi tiêu”, bà Thanh chia sẻ thêm.
Chủ động giảm diện tích
Tại các vùng trồng hoa lớn của tỉnh như phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) hay xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ), người trồng cũng đang đứng ngồi không yên.
Gia đình ông Nguyễn Văn Long (KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh) có hơn 10 năm trồng hoa cho biết, nếu như Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, gia đình ông trồng 15.000 chậu hoa các loại như: cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc vạn thọ, mào gà, hoa hồng…, thì năm nay gia đình ông đã giảm phân nửa, chỉ trồng 7.000 chậu hoa các loại.
Ông Long chia sẻ thêm, chi phí trồng 7.000 chậu hoa này đã lên tới 300 triệu đồng, do giống, phân, thuốc, nhân công đều tăng hơn 30-40%. Thời điểm này mọi năm, thương lái đã đặt mua gần 70% số chậu hoa của gia đình. Thế nhưng, năm nay mới có vài thương lái đặt mua, với số lượng chưa tới 30% số chậu hoa trong vườn khiến ông Long đứng ngồi không yên.
Dù đã cận Tết, song nhiều vườn hoa trên địa bàn tỉnh vẫn vắng khách tới mua. Trong ảnh: Vườn lan Tết của gia đình ông Nguyễn Ngọc Khanh, ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền. |
Vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (KP. Hải Dinh, phường Kim Dinh) năm nay cũng đã giảm phân nửa so với năm ngoái, chỉ còn khoảng 2.000 chậu, song lượng khách rất ít, không sôi động như mọi năm. “Chi phí cho vụ hoa Tết tăng cao, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tôi cũng không dám tăng giá bán hoa. Thế nhưng, việc bán hoa vẫn ế ẩm, khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa”, ông Tuấn nói.
Ông Lưu Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh cho biết, năm nay diện tích trồng hoa của địa phương khoảng 16ha, giảm hơn 6ha so với mọi năm. Làng hoa Kim Dinh là làng hoa lớn và lâu đời nhất của tỉnh. Mỗi năm có khoảng 150 hộ trồng hoa để phục vụ thị trường Tết, với các loại như: cúc đại đóa, cúc pha lê, mào gà, cát tường, ly, dạ yến thảo, hướng dương, cẩm chướng. “Thời điểm này những năm trước, thương lái đã đi khắp các vườn để đặt cọc tiền mua hoa. Thế nhưng, năm nay làng hoa rơi vào cảnh “đìu hiu”, khi có rất ít thương lái tới đặt mua, khiến người trồng hoa rất lo lắng”, ông Hiếu bày tỏ.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC