Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, các nhà vườn phải thuê thêm người “tuyển hoa, nhặt nụ”. Công việc thời vụ này giúp người lao động có khoản thu nhập khá để lo cho cái Tết thêm tươm tất.
Dịp cận Tết, các nhà vườn tại làng hoa Kim Dinh, TP. Bà Rịa lại thuê người nhặt nụ hoa. |
Tại làng hoa Kim Dinh, TP. Bà Rịa những ngày này, từ sáng sớm trên các vườn hoa, đâu đâu cũng thấy nhóm các cô, các chị chuẩn bị nón áo cặm cụi với công việc nhặt nụ hoa. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, ấp Nam, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa cho biết, bà làm nghề “tuyển hoa nhặt nụ” đã được 6 năm và trở thành “mối quen” của các nhà vườn ở phường Kim Dinh. Năm nào đến thời điểm này, bà cũng nhận được điện thoại của chủ vườn nhờ gọi lao động đến nhặt nụ. Nhóm bà có khoảng 10 người chia nhau đến các nhà vườn để nhặt nụ cho kịp thời vụ.
Hàng ngày, thợ nhặt nụ bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng. Mỗi ngày, làm việc khoảng 8 tiếng đồng hồ, thợ được chủ vườn trả công 250 ngàn đồng. So với các nghề lao động khác, nghề này được xem là khá nhẹ nhàng, không khó, không tốn sức nhưng cần sự tỉ mẩn, đòi hỏi người làm phải cẩn thận trong từng động tác để không làm gãy nụ cái. “Công việc này kéo dài khoảng 2 tuần, năm nay dịch bệnh, các chủ vườn giảm số lượng hoa Tết, nên công việc cũng ít hơn mọi năm. Dù vậy, nếu chịu khó làm, chúng tôi vẫn có thể kiếm được vài triệu đồng để tiêu Tết”, bà Loan cho hay.
Một tuần trở lại đây, bà Nguyễn Thị Ngọc (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cùng nhiều lao động nữ có mặt tại các vườn hoa ở phường Kim Dinh từ sáng sớm để bắt đầu công việc ngắt nụ. Mỗi luống hoa dài hàng chục mét, 4-6 người cặm cụi nhặt nụ giữa cái nắng nóng khó chịu của tiết trời mùa khô.
Đôi tay thoăn thoắt ngắt từng nụ hoa phụ trên cây, bà Ngọc cho biết, không giống các cây trồng khác, việc ngắt nụ đòi hỏi phải chăm chút từng ly, từng tí mới mong cây phát triển đẹp. Sơ sẩy không tập trung là cây bị gãy ngọn, vì thân hoa cúc khá giòn. Thêm nữa, nếu nhặt không kỹ, để sót nụ và xấu thì chủ vườn thất thu. Do đó, dù chủ vườn không theo sát, nhưng người làm phải luôn để tâm, chăm chú vào công việc thì chủ vườn mới thuê lâu dài.
“Cái khó của người nhặt nụ là phải chọn làm sao để khi nở 10 cây có hoa đẹp cả 10. Công việc không phải lao động nặng nhọc, nhưng rất mỏi chân vì phải đứng cả ngày. Mỗi nhà vườn, mình làm 1-2 ngày, xong việc lại kéo sang nhà khác. Công việc như chạy đua với thời gian để hoa nở đúng dịp Tết. Nghề này chủ yếu làm quen tay. Với người làm lâu năm, một ngày có thể tỉa nụ được khoảng 10 chậu hoa”, bà Ngọc chia sẻ.
Ông Nguyễn Phạm Thanh Hùng, chủ vườn hoa tại KP. Hải Dinh, phường Kim Dinh cho biết, vụ Tết này, gia đình ông chuẩn bị khoảng 70 ngàn chậu hoa các loại. Do vậy, ở thời kỳ ngắt nụ hoa, gia đình ông phải thuê từ 15-20 nhân công. Chi phí thuê nhân công dao động từ 250 -260 ngàn đồng/người/ngày (khoảng 8 tiếng). Thông thường, các chủ vườn có những mối quen lâu năm, cứ đến thời điểm cần lao động, chỉ cần gọi người đứng đầu nhóm là có đủ người làm. Công việc này tuy không vất vả nhưng người làm phải tỉ mỉ, có kinh nghiệm thì mới làm nhanh và không ảnh hưởng tới chất lượng chậu hoa. “Tùy vào từng năm và thời điểm xuống giống hoa, chúng tôi sẽ cần thuê số lượng người và thời gian làm phù hợp để không ảnh hưởng tới thời vụ. Với nghề thời vụ này, đa số nhà vườn đã có mối quen từ trước nên không phải lo lắng việc thiếu người làm”, ông Hùng nói thêm.
Theo ông Lưu Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh, địa phương có khoảng 150 hộ trồng hoa trên diện tích 22ha. Hàng năm, cứ khoảng cuối tháng 11 âm lịch, các nhà vườn bắt đầu ngắt nụ, tỉa cành, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và các địa phương xung quanh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Để tập trung dưỡng chất cho nụ hoa đạt chất lượng, người trồng chỉ để lại một nụ to nhất trên cành, những nụ còn lại được cắt bỏ. Thời điểm gần một tháng trước Tết, nhà vườn bắt đầu thuê người “tuyển hoa, nhặt nụ”. Công việc kéo dài khoảng 10 ngày đến 2 tuần và sẽ được thực hiện 1 đến 2 lần trong vụ để bảo đảm chọn được nụ hoa to và đẹp nhất trên mỗi cành. |