Tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi

Thứ Năm, 06/01/2022, 23:31 [GMT+7]
In bài này
.

“Phải có chính sách khuyến khích thu và tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, chạy chọt. Dòng vốn tín dụng và dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực”.

PV GAS là một trong những đơn vị có đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy Khí Dinh Cố.
PV GAS là một trong những đơn vị có đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy Khí Dinh Cố.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tài chính-ngân sách năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2022, do Bộ Tài chính tổ chức.

Tại điểm cầu BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.

Cân đối ngân sách được bảo đảm

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ: Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhưng với sự linh hoạt, chủ động trong điều hành, vừa triển khai các giải pháp thu ngân sách, vừa tích cực hỗ trợ người dân, DN, ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính-ngân sách.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt hơn 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán; trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt 14,5% so với dự toán và tăng 11,3% so với năm 2020. Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 20,5% so với dự toán và tăng 20,7% so với năm 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Năm 2021, Đạm Phú Mỹ ước nộp ngân sách Nhà nước khoảng 286 tỷ đồng. Trong ảnh: Đưa sản phẩm NPK vào kho tại Nhà máy đạm Phú Mỹ.
Năm 2021, Đạm Phú Mỹ ước nộp ngân sách Nhà nước khoảng 286 tỷ đồng. Trong ảnh: Đưa sản phẩm NPK vào kho tại Nhà máy đạm Phú Mỹ.

Tổng chi NSNN năm 2021 là 1,879 triệu tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.

Với kết quả thu, chi nêu trên, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được bảo đảm. Ước tính năm 2021, bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP.

Cũng trong năm 2021, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, hộ gia đình và người dân. Trong đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ như: Tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của DN; tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ quý I/2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; tiếp tục miễn giảm trên 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021.

Chủ động điều hành ngân sách linh hoạt

Năm 2021, BR-VT chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, các ngành, lĩnh vực kinh tế chính vẫn tăng trưởng dương so với năm 2020. GRDP (trừ dầu khí) tăng 1,02%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,68%.

Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 87.696 tỷ đồng, đạt hơn 133% so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô 25.070 tỷ đồng (đạt 199%); thu xuất nhập khẩu 22.792 tỷ đồng (đạt 129,5%); thu nội địa 39.834 tỷ đồng (đạt 111,6%). Tổng chi ngân sách địa phương 25.755 tỷ đồng (đạt hơn 95%).

Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu tổng dự toán thu ngân sách 71.556 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô 16.600 tỷ đồng; thu từ xuất nhập khẩu 20.300 tỷ đồng; thu nội địa 34.656 tỷ đồng; dự kiến ngân sách tỉnh được hưởng từ nguồn thu năm 2022 là 18.750 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2021, NSNN đã quyết định chi 45.100 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và 28.900 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tổng cộng là 74.000 tỷ đồng (trong đó, Trung ương chi 26.300 tỷ đồng, các địa phương chi từ ngân sách địa phương 47.700 tỷ đồng).

Đến nay, tỉnh đã thực hiện giao dự toán và phân bổ đến từng đơn vị dự toán và từng cấp ngân sách, để tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022, UBND tỉnh đề ra các giải pháp: Chủ động điều hành ngân sách linh hoạt nhằm đảm bảo đầy đủ, kịp thời ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của tỉnh, nhất là các nhiệm vụ đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, khoáng sản; thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi; thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số...

Về các giải pháp về chi ngân sách, tỉnh lập kế hoạch và cam kết tiến độ thực hiện, khởi công và giải ngân cho từng dự án. Trong đó, nêu rõ tiến độ công việc hàng tuần, hàng tháng, bảo đảm khởi công các công trình ngay trong 6 tháng đầu năm và giải ngân vốn đầu tư công được bố trí trong năm theo quy định. Tỉnh cũng lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, dự báo tình hình có thời cơ và thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của DN và người dân. Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi; rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không “vung tay quá trán”, cũng không quá thận trọng. “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.