.

Chủ động trong sản xuất với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật: 18:21, 14/01/2022 (GMT+7)

Sáng 14/1, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính Sở NN-PTNT và 8 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố.

Máy bay không người lái được sử dụng phụ thuốc BVTV tại xã An Nhứt, huyện Long Điền.
Máy bay không người lái được sử dụng phụ thuốc BVTV tại xã An Nhứt, huyện Long Điền.

Nhiều mô hình NNCNC

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng Đề án 04-ĐA/TU về phát triển NNUDCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Sau 4 năm thực hiện, đề án đã tạo được sự lan tỏa phát triển các mô hình DN, HTX và hộ cá thể NNUDCNC trên quy mô toàn tỉnh. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp đều có áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 7 vùng NNUDCNC, đồng thời thu hút được nhiều DN, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC. Đến nay, đã có 65 doanh nghiệp với 66 dự án đăng ký xin chủ trương đầu tư các dự án NNCNC vào tỉnh với tổng diện tích đất các nhà đầu tư đề nghị 2.956,49ha. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt gần 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86  triệu đồng so năm 2015.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các dự án trồng trọt NNUDNCNC, tỉnh đã tạo điều kiện cho các DN chuyển đổi khoảng 287,46ha diện tích đất đang trồng cây cao su cho hiệu quả thấp chuyển sang đầu tư trồng một số cây trồng ứng dụng công nghệ cao như Công ty CP cao su Bà Rịa 83ha, Công ty CP cao su Thống Nhất 204,46ha.

Là một trong những DN đầu tư NNUDCNC trong lĩnh vực trồng rau ăn lá trên địa bàn tỉnh trong 2 năm qua, Công ty CP 4K Farm đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng đầu tư. Ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc công ty cho biết, hiện đơn vị đang có số lượng nhà màng sản xuất rau sạch với 220 nhà màng đang hoạt động, mỗi nhà có diện tích 1.000m2 cùng các hệ thống kho bãi, cung ứng logistics tương ứng. Tổng sản lượng trong năm 2021 ước đạt 4.000 tấn rau các loại. Mô hình đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động địa phương, nông dân, công nhân thu hoạch, đóng gói.

Đặc biệt, các sản phẩm rau của 4K Farm được sản xuất theo tiêu chuẩn 4K (không thuốc trừ sâu, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không biến đổi gen). Sản phẩm được truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, globalGAP, VietGAP và chứng nhận VSATTP. Hiện các sản phẩm của 4K Farm đã và đang được phân phối đến các khách hàng lớn như Bách hóa xanh, Winmart, CK và Tiki...

Công nghiệp công nghệ cao được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế phát triển của tỉnh BR-VT. Trong ảnh: Mô hình trồng rau công nghệ cao của ông Phạm Tấn Nghiêm (TT. Long Hải, huyện Long Điền).
Công nghiệp công nghệ cao được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế phát triển của tỉnh BR-VT. Trong ảnh: Mô hình trồng rau công nghệ cao của ông Phạm Tấn Nghiêm (TT. Long Hải, huyện Long Điền).

Thu hút đầu tư phát triển NNUDCNC

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, phát triển NNUDCNC được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp người dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc nhân rộng mô hình vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Theo ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức), việc thiếu quỹ đất tập trung là một trong những hạn chế lớn để phát triển tỉnh đẩy mạnh NNUDCNC. Bởi thời gian để các DN thuê đất ngắn, trong khi vốn đầu tư lại khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ, khiến nhiều DN không muốn mạo hiểm đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Còn theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn, trong khi đó, mức hỗ trợ cho DN đầu tư còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn. Các thủ tục hành chính vẫn còn khá rườm rà khiến DN và người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở NN-PTNT đã giải đáp thắc mắc, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh. Cũng theo Sở NN-PTNT, cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển NNUDNCN của Chính phủ, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh một số chính sách khuyến khích, thu hút các DN trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào NNUDCNC. Trong đó, một số chính sách như Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND về chính sách tín dụng khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; chính sách tín dụng theo Quyết định 813/QĐ-NHNN về cho vay khuyến khích phát triển NNUDCNC, nông nghiệp sạch…

Trong giai đoạn 2021-2025, BR-VT đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Công nhận tối thiểu 10 vùng và 5 doanh nghiệp NNUDNC. 100% diện tích đất quy hoạch phát triển NNUDCNC được thu hồi để triển khai thực hiện các dự án sản xuất NNUDCNC. Đồng thời hình thành khu NNUDNC của tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển NNUDCNC (khảo sát, đầu tư nâng cấp các tuyến đường, các tuyến đường vành đai và các tuyến điện,…); đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại, công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được Sở NN-PTNT chú trọng…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã giới thiệu một số mô hình NNUDCNC hiệu quả có khả năng triển khai được trên địa bàn tỉnh như áp dụng phun thuốc BVTV bằng Drone; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong nuôi trồng thủy sản…

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.