Báo động tình trạng thoái hóa đất
BR-VT có 64,59% diện tích đất (trong phạm vi điều tra) bị thoái hóa do khô hạn, hoang mạc hóa; xói mòn; nhiễm mặn… chủ yếu thuộc nhóm đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Trước thực trạng này, Sở TN-MT đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm hạn chế quá trình thoái hóa đất.
Để hạn chế tình trạng thoái hóa đất, nhiều hộ dân ở xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã chuyển sang trồng hồ tiêu bằng phương pháp hữu cơ. |
Tác động tiêu cực đến sản xuất
Nằm giáp biển, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) có nhiều diện tích đất nhiễm mặn và ngày càng lan rộng, đặc biệt là khu vực Đồng Năng, Gò Cà. Những năm qua, huyện Xuyên Mộc đã đầu tư hệ thống đê điều, kênh mương tưới tiêu nhưng tình trạng mặn hóa phèn vẫn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của nông dân.
Theo UBND xã Phước Thuận, trên địa bàn xã có khoảng 570ha đất trồng lúa, trong đó ấp Gò Cà có 70ha nhiễm mặn nên người dân chỉ canh tác được 1 vụ/năm nhưng năng suất thấp. Ông Nguyễn Văn Việt, nông dân trồng lúa tại xã Phước Thuận cho biết, những năm gần đây tình trạng nhiễm mặn ngày càng nặng. “Năm nào có nước còn đỡ, năm thiếu nước sản xuất, nông dân thất thu, chỉ đạt 3-3,5 tấn/ha, giảm 20% so với các vụ lúa cùng diện tích ở những khu vực không bị nhiễm mặn. Do đó, mỗi năm, nông dân ấp Gò Cà chỉ sản xuất được 1 vụ Đông Xuân. Một số người phải chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm để tránh lãng phí đất”.
Trong khi đó, tại các dãy núi Thị Vải, núi Dinh thuộc địa phận TX. Phú Mỹ, nhiều khu vực triền núi xảy ra tình trạng sạt lở. Mỗi khi có mưa lớn, đất, đá từ núi chảy tràn xuống các tuyến đường gần núi. Theo Hạt kiểm lâm TX. Phú Mỹ, thị xã hiện có 2.898ha rừng phòng hộ, phần lớn diện tích rừng nằm ở khu vực có độ dốc cao. Trong điều kiện khí hậu, mùa khô nóng gay gắt, mùa mưa lượng nước lớn nên dễ xảy ra quá trình xói mòn, rửa trôi đất. Kết quả điều tra do Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (QHVTKNN) và Sở TN-MT thực hiện trên hơn 18.588ha đất tại TX. Phú Mỹ có đến hơn 12.164ha bị xói mòn.
Sử dụng đất hợp lý
Theo Phân viện QHVTKNN, nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa đất ở BR-VT là do tuổi đất khá cao, phân bố trên địa hình cao, khí hậu đới mưa mùa nên dễ dẫn đến tình trạng rửa trôi, xói mòn, tích tụ sét, sắt, nhôm và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó còn do tác động trực tiếp của con người như tình trạng phá rừng, mở rộng diện tích đất canh tác, bố trí cây trồng không phù hợp, sử dụng phân bón không cân đối…
Do đó, giải pháp để hạn chế tình trạng thoái hóa đất là ứng dụng KH-CN để ngăn chặn quá trình xói lở bờ biển, ngăn chặn xâm nhập mặn; ngăn chặn tình trạng phá rừng, đặc biệt là cần tập trung vào các yếu tố chủ quan, thói quen canh tác của nông dân.
Trên thực tế, việc sử dụng phân bón hợp lý đã mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc hạn chế thoái hóa đất ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lợi (ấp Công Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho biết, thời gian qua ông đã áp dụng phương pháp canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên 1ha hồ tiêu. Cụ thể, ông bón phân hữu cơ vi sinh, giảm 40% lượng phân hóa học và giảm 20% chi phí đầu tư. Nhờ vậy, ông thu hơn 400 triệu đồng lợi nhuận trên 1ha tiêu từ 7 năm tuổi trở lên. Theo ông Lợi, nhiều hộ nông dân xã Quảng Thành cũng chuyển dần qua canh tác cây tiêu theo định hướng hữu cơ vi sinh, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng thoái hóa đất.
Dưới tác động của các áp lực gia tăng dân số, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và BĐKH, xu thế thoái hóa đất ở BR-VT sẽ ngày càng mở rộng về diện tích. Trong đó, quá trình xói mòn, rửa trôi bề mặt và thoái hóa hóa học do mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp thiếu các biện pháp bảo vệ đất. Hậu quả dẫn đến suy giảm mạnh các chất dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất, làm mất khả năng sản xuất của đất…
Sở TN-MT vừa phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam điều tra tình trạng thoái hóa đất. BR-VT có hơn 190.558ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có 142.215ha được điều tra. Kết quả điều tra cho thấy, khoảng 64,59% diện tích đất bị thoái hóa (tương đương 91.860ha). Chia theo cấp độ thì thoái hóa nhẹ chiếm 26,71% tổng diện tích đất điều tra; thoái hóa trung bình là 28,46% và thoái hóa nặng chiếm 9,42% diện tích đất điều tra. Đáng nói là trong 91.860ha đất bị thoái hóa có nhiều diện tích do ảnh hưởng cùng lúc của nhiều yếu tố (xói mòn, do khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa). Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng làm cho đất bạc màu, thoái hóa nhanh. Đặc biệt, diện tích đất thoái hóa do khô hạn, hoang mạc hóa lên tới 88.229ha, chiếm hơn 62% trong tổng diện tích điều tra. |
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho hay, để sử dụng đất bền vững trước những tác động của BĐKH, làm giảm quá trình thoái hóa đất, UBND tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật thích hợp với từng loại đất cụ thể để giữ độ phì nhiêu, màu mỡ của đất, tránh làm thoái hóa đất như: xây dựng hệ thống kênh mương đưa nước về các vùng đất khô hạn, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân vô cơ, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại làm mất khả năng của đất.
Đối với nhóm giải pháp kỹ thuật, BR-VT cần gia tăng độ che phủ đất bằng cách trồng thêm cây xanh; tăng cường xen canh và đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất... Bên cạnh đó, BR-VT nên hạn chế tối đa việc chuyển đổi các vùng đất nông nghiệp có chất lượng tốt sang đất phi nông nghiệp.
Bài, ảnh: QUANG VŨ