.

Dịp Tết Nguyên đán: Không lo thiếu hàng, sốt giá

Cập nhật: 18:56, 12/01/2022 (GMT+7)

Từ giữa tháng 10/2021, các hoạt động kinh tế dần được hồi phục. DN siêu thị, hộ kinh doanh đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Do vậy, nguồn cung khá dồi dào nhưng sức mua đến thời điểm này còn thấp và dự báo không tăng mạnh như dịp Tết những năm trước.

Khách chọn mua hàng Tết tại Co.op Mart Vũng Tàu.
Khách chọn mua hàng Tết tại Co.op Mart Vũng Tàu.

Sức mua còn thấp

Thời điểm này, tiểu thương tại các chợ đã nhập hàng Tết về bán, trong đó chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Bà Phạm Thị Liên, bán bánh kẹo tại chợ Bà Rịa cho biết, cuối tháng 12/2021 bà mới bắt đầu nhập hàng Tết, trễ hơn 1 tháng so với những năm trước. “Chợ đã nhộn nhịp hơn thời điểm cuối tháng 12/2021, nhưng so với năm trước, sức mua tại chợ vẫn ở mức thấp. Vì vậy, tôi chỉ nhập hàng bán trong vài ngày đến 1 tuần, hết đến đâu lấy về đến đó chứ không dám “ôm” hàng như mọi năm”, bà Liên chia sẻ.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh tăng từ 3-15% so với Tết Tân Sửu 2021. Trên cơ sở đó, tổng kinh phí tỉnh dành để chuẩn bị hàng hóa dự trữ phục vụ dịp Tết hơn 1.141 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm hàng như gạo và lương thực khác 23.905 tấn; thịt các loại hơn 1.104 tấn; dầu ăn hơn 571 ngàn lít; tôm cá hơn 2.611 tấn; đường, mật, sữa, bánh, mứt, kẹo gần 278 tấn; nước mắm, nước chấm 32,8 ngàn lít; rau củ các loại hơn 11.849 tấn; rượu, bia 53.702 thùng; đồ uống khác 23.815 thùng; thực phẩm chế biến (giò, chả, xúc xích, thịt hun khói…) 76,6 tấn; thực phẩm đông lạnh đóng gói hơn 1.108 tấn.

Ông Lê Thanh Phong, Trưởng BQL chợ Bà Rịa cho biết, sức mua hiện đã có dấu hiệu tăng nhưng so với Tết Tân Sửu 2021 vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung mua sắm các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày.

Trong khi đó, các siêu thị, TTTM, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động nguồn cung hàng hóa và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Sức mua tại các siêu thị bắt đầu tăng nhẹ so với cuối tháng 12/2021. Bên cạnh đó, các siêu thị, TTTM, cửa hàng bán lẻ cũng tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: quét mã QR khai báo y tế, phân luồng khách hàng, 5K, đẩy mạnh triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến…

Bảo đảm hàng hóa thiết yếu

Theo bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế TX. Phú Mỹ, xu hướng tiêu dùng năm nay sẽ tiết kiệm hơn và tập trung mua sắm vào những ngày cận Tết. Thị xã đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống đầu cơ tăng giá, buôn lậu, gian lận thương mại và công tác phòng chống cháy nổ trên từng địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân, tiểu thương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Khách chọn mua hàng tại Co.op Mart Bà Rịa.
Những kệ hàng phong phú bánh kẹo ở Co.op Mart Bà Rịa.

Bà Trần Thị Thu Hường, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu cho biết, thành phố đã yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu tiêu thụ để cân đối, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm phục vụ tốt cho mọi đối tượng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hàng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. BQL chợ, siêu thị, TTTM, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan theo dõi cung, cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh để có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến.

Nguồn cung ứng hàng hóa vào tỉnh như sau: Gạo 70% mua từ các tỉnh miền Tây, Bình Thuận, 30% tự cân đối trong tỉnh; thịt heo, bò, gà, thủy hải sản các loại 80% mua trong tỉnh, 20% mua từ ngoài tỉnh; thực phẩm công nghiệp, đóng gói, chế biến sẵn chủ yếu mua từ các nhà máy, công ty sản xuất lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương; rau, hoa quả các loại 40% tự cung ứng từ các huyện trong tỉnh, 50% mua từ Đà Lạt, 10% mua từ miền Bắc (bắp cải, su hào...); đồ uống có cồn và đồ uống khác 90% mua từ các nhà phân phối ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…, 10% tự cung ứng từ các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.
(Nguồn: Sở Công thương)

Đồng thời, Sở cũng theo dõi diễn biến của dịch COVID-19 nhằm kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết gắn liền với công tác phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu BQL chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết tại các chợ trên địa bàn và chấp hành quy định về giá của tiểu thương kinh doanh trong chợ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh dịp Tết Nguyên đán 2022. Các đơn vị cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.