Dấu ấn 30 năm thu hút đầu tư
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, BR-VT là một trong những tỉnh, thành nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI. Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, BR-VT tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, chính quyền các cấp quyết liệt, hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư đã mang lại “trái ngọt” cho BR-VT trong quá trình thu hút đầu tư.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh BR-VT nói riêng. Trong ảnh: Công trường xây dựng Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn. |
Phát triển các KCN thu hút đầu tư
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, BR-VT là một trong những địa phương tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên của cả nước từ năm 1990. Cũng bắt đầu từ giai đoạn này, tỉnh xác định mục tiêu phát triển các KCN, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Điểm nổi bật của BR-VT về phát triển KCN là ra đời muộn hơn so với các tỉnh, thành khác từ 3-5 năm nhưng tốc độ quy mô KCN phát triển nhanh chóng. Với 2 KCN đầu tiên thành lập vào năm 1996 là Đông Xuyên và Mỹ Xuân A, quy mô 290ha, sau 4 năm toàn tỉnh đã có 6 KCN, diện tích 2.500ha.
Năm 1995, Công ty TNHH Thép Vinakyoei là một trong những DN Nhật Bản đầu tiên đi vào hoạt động tại KCN Phú Mỹ 1 (TX.Phú Mỹ). Sau 26 năm đi vào hoạt động với công suất sản xuất ban đầu 350 ngàn tấn/năm, đến nay, Vina Kyoei đã xây dựng thêm một nhà máy luyện phôi thép công suất 500 ngàn tấn/năm, nâng công suất của nhà máy lên 850 ngàn tấn/năm, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, sử dụng các thiết bị sản xuất tiên tiến nhất với công nghệ cán trực tiếp. Nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 400 lao động.
Ông Hiroyuki Iwasa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết: Công ty Thép Vina Kyoei là liên doanh đầu tiên giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thép. Đây là một dự án phát triển tốt, trong thời gian tới, Vina Kyoei sẽ nâng công suất sản xuất lên đến 1 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.
Sự hình thành và phát triển các KCN tập trung đã tạo sức hút các ngành có lợi thế như công nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu, gắn liền với phát triển hệ thống cảng và các ngành chế biến nông, lâm, hải sản, tạo sự đa dạng về sản phẩm công nghiệp, trong đó xuất hiện một số sản phẩm công nghiệp mới như điện, sắt thép, phân bón, xây dựng cảng… Tất cả đã đưa BR-VT trở thành một trong những trung tâm lớn nhất Việt Nam về khí, điện, đạm - thép. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực về đất đai, tài nguyên ngày càng hạn chế, BR-VT đã xây dựng những chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ có giá trị kinh tế lớn.
Các dự án đầu tư trên địa bàn với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, công tác thu hút đầu tư cũng được định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số dự án quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ… Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế; đồng thời tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, trong đó có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp.
Sản xuất thép tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) một trong những DN nước ngoài đầu tiên đầu tư tại BR-VT. |
Tiếp tục kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc
Thời gian qua, để có nguồn lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh BR-VT đã đặc biệt chú trọng huy động vốn đầu tư từ các nguồn: DN FDI, DN trong nước và vốn đầu tư từ ngân sách. Kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 30 năm đạt khoảng 647.942 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư của DN nước ngoài, của DN và dân cư trong nước là chủ yếu với tổng vốn khoảng 550.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 84,5%; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 117.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15,5% tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn. Về thu hút đầu tư toàn tỉnh hiện có 415 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,7 tỷ USD từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tỉnh đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Về thu hút đầu tư trong nước có 605 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 307.000 tỷ đồng. Các dự án có quy mô lớn chủ yếu tập trung lĩnh vực công nghiệp, cảng biển (chiếm 59%), du lịch (chiếm khoảng 35%). Các dự án còn lại có quy mô vốn nhỏ thuộc lĩnh vực dịch vụ, nuôi trồng chế biến hải sản, giáo dục đào tạo, y tế, hạ tầng CCN (chỉ chiếm 6%).
Để có được những kết quả trên, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; công khai những chủ trương lớn về thu hút đầu tư như: việc thu hút đầu tư phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các tập đoàn kinh tế lớn, đến từ các nước có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của tỉnh như logistics, công nghiệp hỗ trợ về cơ khí chế tạo, du lịch…; không khuyến khích các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, thâm dụng lao động phổ thông, gây ô nhiễm môi trường.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh luôn được các DN đánh giá cao, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh hàng năm đều xếp hạng cao trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Chủ trương của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển nhưng không tạo ra hệ lụy, phức tạp cho con cháu sau này. Do đó, tỉnh không thu hút những dự án thâm dụng lao động, có nguy cơ gây ô nhiễm mà chỉ chào đón các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa rộng. Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng dựa trên cơ sở công bằng, minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, số lượng dự án FDI không nhiều như kỳ vọng, nhưng chất lượng, hiệu quả đầu tư các dự án đã tăng lên rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Đồng thời, BR-VT đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín.
Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị cho người dân thụ hưởng; trong đó, thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng khoảng 100.000 tỷ đồng. |
Trong đó, ưu tiên kêu gọi, thu hút các DN có năng lực, kinh nghiệm đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, DN hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết kịp thời những kiến nghị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển DN như: Cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác tiếp xúc DN theo từng chuyên đề, hỗ trợ DN tiếp cận tài chính, tín dụng, đổi mới sáng tạo. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN triển khai dự án một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng DN, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN