.
CẢNG BIỂN TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Kỳ 1: Nhiều đột phá trong phát triển cảng biển

Cập nhật: 23:07, 06/12/2021 (GMT+7)

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh về cảng biển của BR-VT từng bước bộc lộ. Định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng đang từng bước thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí.

Siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 214.121 DWT cập cảng CMIT tháng 10/2020.
Siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 214.121 DWT cập cảng CMIT tháng 10/2020.

Mức tăng trưởng cao nhất thế giới

Sau gần 30 năm, kể từ khi Barie Serece được xây dựng, khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) đã có 35 dự án cảng biển được quy hoạch, với diện tích 1.606ha. Trong đó, 23 dự án đang hoạt động, tổng công suất hơn 142 triệu tấn/năm. Với lợi thế luồng lạch sâu, cầu cảng dài, các cảng ở CM-TV có thể đón tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn vào làm hàng. Đây là cụm cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có thể đón được tàu hàng trên 100 ngàn tấn và trở thành một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng trên 200 ngàn tấn.

Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cụm cảng CM-TV phát triển. Một trong những sự kiện trở thành điểm mốc đáng nhớ của lịch sử ngành hàng hải Việt Nam, đồng thời nâng vị thế của cụm cảng CM-TV trên bản đồ hàng hải thế giới trong hoạt động trung chuyển quốc tế đó là tháng 2/2017 siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn - con tàu lớn nhất thế giới - cập cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) để làm hàng.

Nhớ lại sự kiện này, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) không giấu được niềm tự hào: “Đây là cột mốc quan trọng của cụm cảng CM-TV, qua đó chứng minh được năng lực cảng, luồng lạch, khả năng phối hợp của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc đón tiếp những siêu tàu vận tải của thế giới”.

Theo đánh giá của Tạp chí Hàng hải Alphaliner, cụm cảng CM-TV đang nổi lên như là một cảng nước sâu hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 6 năm trở lại đây, cụm cảng CM-TV liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới với vị trí thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, CM-TV là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3.

Liên tục góp mặt trong 6 nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới với mức tăng trưởng khoảng 22%/năm, khu vực cụm cảng CM-TV có sản lượng thông qua liên tục tăng cao qua từng năm và nhận được sự tin tưởng cao của các hãng tàu lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, từ 2011 cho tới nay, nhiều hãng tàu và liên minh hãng tàu container lớn thế giới đã triển khai các đội tàu, các tuyến dịch vụ đi châu Mỹ, châu Âu, nội Á tại cụm cảng container Cái Mép. Trong đó, các cảng container như: Tân Cảng – Cái Mép bao gồm Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT), Cảng Container Tân Cảng – Cái Mép (TCCT) và Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT), Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)  đã và đang giữ vai trò quan trọng và là cửa ngõ giao thương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh TCIT cho biết, là cảng container đi vào hoạt động từ giai đoạn đầu và có thị phần lớn nhất kể cả về sản lượng thông qua tại khu vực Cái Mép - cụm cảng được xếp hạng là 1 trong 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới, TCIT luôn nỗ lực không ngừng để khai thác hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của cảng biển BR-VT.

Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng tưởng trung bình về sản lượng của TCIT đạt khoảng 27%/năm, dẫn đầu các cảng khu vực CM-TV với thị phần đạt khoảng 55%, là cảng có sản lượng thông qua đứng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP.Hồ Chí Minh (kể từ năm 2016) và là Cảng nước sâu trung chuyển lớn nhất Việt Nam. Được sự tin tưởng của các hãng tàu và liên minh hãng tàu lớn trên thế giới, TCIT luôn duy trì tổng số tuyến dịch vụ quốc tế với 8 - 12 tuyến/tuần, kết nối với Bắc Mỹ, Canada, các cảng chính đi châu Âu và nội Á.

Bên cạnh đó, TCIT liên tục khẳng định năng lực khi tiếp nhận và khai thác cỡ tàu lên đến 14.000 TEU và liên tiếp thiết lập các kỷ lục về sản lượng xếp dỡ tàu mẹ, đặc biệt vào tháng 06/2021 TCIT thiết lập các cột mốc xếp dỡ14.235 TEU trên tàu MADRID BRIDGE và sau đó là 15.615 TEU trên tàu MONACO BRIDGE.  Đầu năm 2021, TCIT đã vinh dự nhận được giải thưởng Cảng Xanh của Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN) với những đóng góp   cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đây là dấu ấn khích lệ đối với hệ thống cảng Việt Nam nói chung và TCIT nói riêng khi tiếp tục nhận được sự công nhận của các tổ chức uy tín quốc tế, đi đầu trong phong trào và mục tiêu phát triển hệ thống “Cảng xanh”.

Năm 2021, cảng TCIT được xếp hạng là 1 trong 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng TCIT.
Năm 2021, cảng TCIT được xếp hạng là 1 trong 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng TCIT.

Ông Abraham Elias, Tổng Giám đốc Hãng tàu Zim cũng thông tin, hãng này đã đưa tàu ALS APOLLO khai thác tuyến dịch vụ USWC tại cảng TCTT. “Việc các hãng tàu đồng loạt mở thêm các tuyến mới vào Việt Nam, cụ thể là vào CM-TV giúp duy trì sự sôi động trong hoạt động khai thác của các cảng ở khu vực này, cũng như vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua và cả những năm tới”, ông Abraham Elias nhận định.

Đóng góp ngân sách 12 ngàn tỷ đồng/năm

Nếu như năm 2013, CM-TV chỉ có 8 tuyến tàu mẹ thì năm 2021, Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đã có 32 tuyến tàu mẹ kết nối với CM-TV. Đây được xem là một bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 11 năm khai thác của CM-TV. Điều này cho thấy vị thế của CM-TV trong cộng đồng hàng hải quốc tế ngày càng được khẳng định. Với 32 tuyến tàu mẹ giúp cụm cảng này trở thành khu vực có tần suất đi Mỹ cao nhất ở Đông Nam Á và mức cao tại châu Á.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hệ thống cảng CM-TV đã có những đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. Bình quân cụm cảng CM-TV đã đóng góp vào ngân sách 12 ngàn tỷ đồng/năm; đồng thời tạo đà cho nhiều ngành, nghề khác phát triển. Để cụm cảng CM-TV phát triển, tỉnh BR-VT đã nỗ lực tạo những điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, cơ chế chính sách.

Sau 30 xây dựng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hệ thống cảng biển tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa quốc tế cũng như nội địa. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng container tại Cảng dịch vụ tổng hợp Hưng Thái, TX. Phú Mỹ.
Sau 30 xây dựng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hệ thống cảng biển tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa quốc tế cũng như nội địa. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng container tại Cảng dịch vụ tổng hợp Hưng Thái, TX. Phú Mỹ.

Tỉnh đã tập trung hoàn thành các chương trình khung nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát triển dịch vụ hậu cần cảng, bao gồm: Đề án phát triển dịch vụ hậu cần cảng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2030; Hệ thống hóa chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực hậu cần cảng; Thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép Hạ…

CM-TV cũng đã làm tốt vai trò cảng cửa ngõ của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ sau Malaysia. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được kết nối một cách tốt nhất ra nước ngoài, hơn hẳn hàng hóa của Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Theo đánh giá của các hãng tàu, thời gian qua các cảng tại khu vực CM-TV đang chứng minh được lợi thế của mình cả về vị trí địa lý, năng suất làm hàng cao, chất lượng dịch vụ tốt, cảng được trang bị hiện đại và không ngừng nghiên cứu để phát triển thêm các dịch vụ gia tăng giá trị cho khách hàng. Từ đó, các hãng tàu quốc tế ngày càng tin tưởng hơn khi đưa tàu mẹ vào khai thác tại đây.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Theo báo cáo của Sở GT-VT, toàn tỉnh hiện quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 48 dự án đang khai thác, 4 dự án đang xây dựng, 10 dự án chưa triển khai và 7 dự án chưa có nhà đầu tư. Riêng khu vực CM-TV quy hoạch 35 dự án cảng biển, trong đó có 22 dự án đang khai thác, 2 dự án đang xây dựng, 9 dự án chưa triển khai và 2 dự án chưa có nhà đầu tư; tổng công suất thực tế đến tháng 3/2020 là 117,8 triệu tấn/năm.

 

.
.
.