CHƯƠNG TRÌNH OCOP

Ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh

Thứ Năm, 09/12/2021, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 3 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh đã có 5 chủ thể với 21 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận đạt OCOP từ 3 - 5 sao. Tỉnh cũng xác định không phát triển tràn lan mà tập trung các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân (TP. Bà Rịa) được đầu tư về mẫu mã, bao bì đẹp mắt.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân (TP. Bà Rịa) được đầu tư về mẫu mã, bao bì đẹp mắt.

Nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Bộ tiêu chí, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với nhiều tiêu chuẩn khắt khe được xem là thử thách lớn đối với hộ sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân (ấp Phước Tân 4, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) đã sớm xác định, điểm mấu chốt quyết định đó là chất lượng phải mang tầm quốc tế. Công ty không ngừng mở rộng quy mô, cải tiến quy trình sản xuất, nhằm đáp ứng các chỉ số khắt khe mà thị trường phân khúc cao đòi hỏi.

Ông Nguyễn Nhật Nhân, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty cho biết, đầu năm 2021, Công ty đưa 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm Đông trùng hạ thảo X3 Gold, Đông trùng hạ thảo X3 Ruby và Đông trùng hạ thảo X3 Premium. Để đạt được mục tiêu 4 đến 5 sao cho 3 sản phẩm trên, công ty đã chú trọng đầu tư vào chất lượng, mẫu mã. Trong đó, X3 là sản phẩm “3 không”: không phẩm màu, không chất bảo quản, không chất kích thích. Ngoài ra, dưỡng chất trong sản phẩm Đông trùng hạ thảo cũng đã gấp 3 lần so với thời điểm cơ sở sản xuất của công ty mới bắt đầu hoạt động.

Đơn vị cũng chú trọng đầu tư mẫu mã, bao bì, xây dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống nhà máy sản xuất được đầu tư theo công nghệ hiện đại, an toàn vệ sinh. “Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP. Dự kiến, cuối năm nay chúng tôi sẽ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm, thủ tục, tôi tin rằng, chứng nhận OCOP là sẽ nâng tầm sản phẩm của doanh nghiệp lên một tầm cao mới, giúp doanh nghiệp có chỗ đứng về lâu dài trên thị trường”, ông Nhân nhấn mạnh.

Mặc dù mới xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng sản phẩm được chiết xuất từ quả nhàu của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu xuất nhập khẩu Phong Thảo (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã có mặt trên thị trường trong nước và được xuất khẩu đi Hàn Quốc. 2 sản phẩm nước cốt nhàu và tinh dầu nhàu của công ty đang được thẩm định hồ sơ là sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Công ty cho rằng, để đạt được từ 3-5 sao cho sản phẩm OCOP là điều không dễ dàng. Do đó, đơn vị xác định phải đảm bảo từ khâu nguyên liệu. Hiện nay, 100% vùng nguyên liệu 70ha của Công ty sản xuất theo hướng hữu cơ. Để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Công ty đã đầu tư 6 tỷ đồng mua dàn máy mới, hiện đại, gần như tự động hóa hoàn toàn. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đạt công suất khoảng 40 container/tháng (1.000 tấn/tháng) để xuất khẩu, thay vì 15 container như trước đây.

“Công ty đang đầu tư xây dựng lại hệ thống thương hiệu, bao bì sản phẩm. Tất cả sẽ được thay đổi mới 100% và mang thương hiệu hàng Việt Nam, thay vì thông qua khâu trung gian như trước đây; hoàn thiện hệ thống chế biến, bảo quản với 90% tự động hóa. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Campuchia…”, ông Phong cho biết.

Không phát triển tràn lan

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các chủ thể đã không ngừng hoàn thiện những thủ tục cần thiết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng. Nhờ đó, các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ...

Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với Chương trình  OCOP, nhiều chủ trương, chính sách đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, từ năm 2021- 2025, phấn đấu mỗi năm có 25 sản phẩm đạt COCOP từ 3-5 sao. Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo các chủ thể sản phẩm OCOP phải xác định rõ các nội dung trong xây dựng sản phẩm, không phát triển tràn lan, không lấy số lượng mà tập trung vào chất lượng. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực nông nghiệp của tỉnh để có định hướng cụ thể, tránh trường hợp phát triển tràn lan và không duy trì được OCOP.

“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, quy trình thực hiện các thủ tục đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và hộ sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP, hữu cơ; triển khai Bộ tiêu chí đánh giá OCOP đến các chủ thể ở địa phương”, ông Đăng thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.