Phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đường cao tốc

Chủ Nhật, 07/11/2021, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 7/11, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư”. Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân.

Tại tọa đàm, các ý kiến khẳng định, kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống đường bộ cao tốc ở Việt Nam đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, nhờ đó đã hình thành mạng lưới giao thông quan trọng trên khắp cả nước. Hệ thống đường cao tốc đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tác động rõ nét đến thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các địa phương dọc theo tuyến đường cao tốc…

BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BR-VT
Bảo đảm tính liên kết trong phát triển các dự án cao tốc
Tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là một trong hai tuyến cao tốc quan trọng, thiết yếu ở khu vực phía Nam. Tuyến cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 55 km, là một bộ phận trong hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, phía Đông, vị trí nằm trọn trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam giữa TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuyến đường này cũng trở thành nhân tố rất quan trọng trong giải quyết tình trạng quá tải lưu lượng xe, ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối và giảm thiểu tai nạn giao thông trên Quốc lộ 51.
Tuyến cao tốc này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, giao thương, thương mại sôi động hơn so với trước đây, mở ra bước đột phá trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát huy tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu như: Khai thác cảng chung chuyển quốc tế Cái Mép-Thị Vải; góp phần thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển trung tâm logistics, cảng trạm, hệ thống kho bãi cho hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Mặt khác, khi kết nối với đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, tại điểm ở đầu TP. Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc còn thúc đẩy nhanh sự phát triển các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, việc hình thành tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội của khu vực Đông Nam Bộ và cho cả khu vực phía Nam.
Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các địa phương cần sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và tuyến cao tốc đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cảng hàng không quốc tế Long Thành để đáp ứng nhu cầu về vận tải tốc độ cao, cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 51, đảm bảo được giao thông kết nối trong vùng, trong khu vực phía Nam.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn được Trung ương phối hợp cùng với các địa phương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, tạo sức mạnh để cạnh tranh kinh tế trên trường quốc tế.

Tính đến tháng 12/2020, tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đã được đưa vào vận hành khai thác là trên 1.163 km, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng trên cả nước là khoảng 911 km.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu 5.000 km theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2030 cần hoàn thành thêm khoảng 2.926 km đường cao tốc.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiều ý kiến nhận định, việc áp dụng các mô hình đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc hiện nay như: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư công; đầu tư theo mô hình tổng công ty Nhà nước là hạt nhân để phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tương tự như mô hình đang áp dụng tại Nhật Bản, Hàn Quốc là phù hợp, song vẫn có những điểm nghẽn, bất cập cần tháo gỡ về mặt chính sách và khung pháp lý.

Từ đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển các dự án cao tốc; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả các mô hình đầu tư, làm cơ sở tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng; việc bảo đảm tính liên kết trong phát triển các dự án cao tốc; công tác duy tu, bảo trì để bảo đảm an toàn, chất lượng cho tuyến đường bộ cao tốc;…

NGUYỄN THI

;
.