Kiểm soát dịch tại khu công nghiệp, không để đứt gãy sản xuất

Thứ Hai, 15/11/2021, 23:40 [GMT+7]
In bài này
.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần trách nhiệm của cộng đồng DN, các DN trong CCN, KCN trên địa bàn tỉnh đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đoàn Công tác đặc biệt của Bộ Y tế trao kiểm tra và trao đổi về công tác phòng chống dịch với đại diện Công ty TNHH Sanfang Việt Nam (TX. Phú Mỹ).
TS. Huỳnh Hồng Quang ((bìa phải), Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế kiểm tra và trao đổi về công tác phòng chống dịch với đại diện Công ty TNHH Sanfang Việt Nam (TX. Phú Mỹ).

ÔNG NGUYỄN CÔNG VINH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH

An toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch

Gần đây, tại một số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh xảy ra ca nhiễm COVID-19. Qua truy vết, lực lượng chức năng phát hiện một số DN không chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch, chưa quản lý chặt phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào, để nhân viên tiếp xúc trực tiếp với lái xe, không tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K. Tình trạng này dẫn đến các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào cơ cơ sản xuất, kinh doanh, DN phải cách ly tập trung người lao động và dừng hoạt động.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, DN thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19; quản lý chặt việc đi lại, sinh hoạt, ăn nghỉ và tổ chức xét nghiệm định kỳ theo quy định cho người lao động. Nhằm tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, tỉnh đã xác định mở cửa khôi phục hoạt động theo lộ trình đối với DN sản xuất công nghiệp. Vì vậy, các sở, ngành chức năng cùng các địa phương được giao nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để DN kịp thời khôi phục hoạt động sản xuất trên cơ sở bảo đảm an toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN tiếp tục khắc phục và vượt qua khó khăn để giữ chân khách hàng, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.

 

ÔNG NGUYỄN ANH TRIẾT, TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ CÁC KCN TỈNH

Kiểm soát chặt chẽ công tác phòng dịch

Để không xảy ra tình trạng dịch lây lan trong KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các DN thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; khuyến khích tổ chức test nhanh SARS-CoV-2 cho tài xế, người cung cấp dịch vụ khi ra vào hàng ngày tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động ngoài tỉnh vào làm việc tại DN. Đồng thời, người lao động phải thực hiện khai báo y tế hàng ngày bằng cách quét mã QR code. Các DN cũng khẩn trương thành lập bộ phận y tế tại DN.

Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các DN xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch theo nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; có kế hoạch tự kiểm tra việc thực hiện phương án phòng, chống dịch để xác định các nội dung còn hạn chế và đưa ra biện pháp khắc phục; xây dựng và diễn tập kịch bản khi có ca nghi ngờ F0 trong DN để chủ động ứng phó, xử lý khi có tình huống phát sinh. Các DN không có phương án phòng, chống dịch COVID-19 hoặc phương án phòng, chống dịch COVID-19 không đáp ứng yêu cầu thì phải đóng cửa, không được phép hoạt động.

KHÔNG ĐỂ ĐỨT GÃY CHUỖI SẢN XUẤT

Cuối tháng 6/2021, ngay khi có trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ngoài cộng đồng, tỉnh đã triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch. Trong đó, tỉnh đã thành lập BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 với sự tham gia của Ban Quản lý các KCN, LĐLĐ, Sở Y tế… BCĐ đã hướng dẫn các DN thành lập tổ phòng, chống dịch COVID trong từng phân xưởng và xây dựng các kịch bản để ứng phó khi có dịch xảy ra. Phương án để các DN bố trí “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” cũng được nhanh chóng triển khai. Tại thời điểm đó, mô hình này đã phát huy hiệu quả. Không chỉ kiểm soát từ khâu đầu vào mà một số quy trình trong nội bộ DN, công xưởng, nhà máy đều đã có sự thay đổi để phù hợp hơn với công tác phòng, chống dịch.

Khi DN trong KCN phát hiện ca nhiễm, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa F0 ra khỏi nhà máy, tổ chức cách ly F1 tại chỗ; hỗ trợ DN về địa điểm lưu trú tập trung để duy trì sản xuất; cập nhật thông tin về cấp độ dịch…

Với đặc thù tập trung nhiều lao động, nếu dịch bệnh xâm nhập vào các DN trong KCN sẽ gây tác động tiêu cực đến kinh tế, thậm chí đứt gãy chuỗi sản xuất. Bài toán đảm bảo "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa sản xuất sẽ càng phức tạp hơn. Do đó, tỉnh đã triển khai cách làm linh hoạt để đồng hành với DN vượt khó.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến DN, các hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, DN trong các khu, CCN thường xuyên được tổ chức. Thông qua các hội nghị này, lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn, bàn sâu hơn với đặc thù của từng loại hình DN để đưa ra quyết sách, giải pháp phù hợp.

Ông Matsumura Hirogshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho rằng, tỉnh BR-VT luôn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ DN để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất; có sự điều chỉnh nhanh, phù hợp nhằm tháo gỡ lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

LINH HOẠT, THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI TÌNH HÌNH MỚI

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh thành khác, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã lên phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn sản xuất.
Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh thành khác, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã lên phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn sản xuất.

 

Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 cho người lao động tại Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng (CCN Đất Đỏ).
Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 cho người lao động tại Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng (CCN Đất Đỏ).

TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế) cho rằng, đến nay, tình hình dịch tại các KCN của BR-VT cơ bản được kiểm soát. Có được kết quả này là do ngay từ ban đầu và trong từng thời điểm, BR-VT đã có sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời để thực hiện các phương án một cách hiệu quả.

Đơn cử như chỉ đạo các DN kiểm soát tốt các khâu, từ xét nghiệm sàng lọc trước khi vào “3 tại chỗ” đến duy trì test nhanh thường xuyên. Song song đó, DN tổ chức sản xuất theo từng phân xưởng, dây chuyền độc lập, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người của các phân xưởng, dây chuyền với nhau. Nhờ đó, khi xuất hiện ca F0, DN chỉ cần phong tỏa tạm thời phân xưởng hoặc dây chuyền có F0 làm việc mà không ảnh hưởng đến dây chuyền, bộ phận khác hay phải phong tỏa toàn bộ nhà máy.

Tính đến ngày 12/11, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng và địa phương có KCN thực hiện 329 lượt kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 295/370 DN đang hoạt động. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn yêu cầu DN hoàn chỉnh việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch và phương án xử lý khi có ca lây nhiễm. Nhờ vậy, tình hình dịch COVID-19 trong KCN cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. 

Với phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích tăng trưởng kinh tế với công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, hoạt động sản xuất tại các KCN, CCN không bị đứt gãy. Nhiều DN vẫn duy trì tốt đơn hàng với đối tác, hoàn thành kế hoạch năm. Công ty TNHH Nitori BR-VT (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ) là một ví dụ. Ông Yasuyuki Hatano, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Nitori BR-VT cho biết, công ty đã hoàn thành 90% kế hoạch năm 2021. 

 Để phù hợp với công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, cũng như tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách hiệu quả, ngày 11/11, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 17115/UBND-VP, hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở để các DN xây dựng kịch bản ứng phó tại đơn vị khi xuất hiện ca nhiễm, tránh tình trạng bị động, lúng túng và đứt gãy chuỗi sản xuất.

Không chỉ kiểm soát công tác phòng dịch, tỉnh cũng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong các KCN, CCN. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, tính đến nay, 100% người lao động tại các KCN đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và hơn 34% người được tiêm mũi 2. Trước khi tiêm vắc xin, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã lập danh sách đối tượng được tiêm chủng theo phân bổ chỉ tiêu của Sở Y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo DN và ngành y tế thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại điểm tiêm. 

Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH gia công cơ khí và thương mại Tân Thuận Đức (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho biết, dựa trên hướng dẫn của tỉnh, DN đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch COVID-19 cụ thể, phù hợp theo loại hình DN mình, tổ chức diễn tập sau khi phương án được thẩm định; bố trí khu vực cách ly tạm thời bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ, có trọng tâm và chọn lọc cho người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao theo hướng dẫn. Đồng thời gửi báo cáo kết quả xét nghiệm về Ban Quản lý các KCN tỉnh và các cơ quan chức năng trong vòng 2 giờ sau khi kết thúc xét nghiệm. Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, dịch, hoạt động sản xuất của công ty vẫn được duy trì, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.