Nhu cầu huy động khí của khách hàng, đặc biệt là huy động khí cho phát điện đang ngày càng giảm. Tình trạng này không chỉ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược quốc gia về năng lượng.
Hoạt động bảo dưỡng tại Trung tâm Phân phối Khí Phú Mỹ. |
Thu ngân sách giảm 430 tỷ đồng
Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị chủ lực trong việc cung cấp khí cho sản xuất công nghiệp. Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ LPG nội địa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, huy động khí của khách hàng PV GAS giảm, đặc biệt là huy động khí cho điện giảm mạnh. 9 tháng năm 2021, huy động khí của khách hàng PV GAS chỉ bằng 72% so với cùng kỳ.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) những năm gần đây, việc huy động khí cho phát điện khu vực Đông Nam Bộ liên tục giảm. Năm 2019 huy động 6,5 tỷ m3; năm 2020 huy động 5,3 tỷ m3. Năm 2021 ước tính chỉ đạt 4,45 tỷ m3, bằng 86,8% kế hoạch huy động được Bộ Công thương phê duyệt.
Việc huy động khí giảm như trên đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với tỉnh BR-VT - nơi dầu khí là ngành đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.
Thống kê của PVN cho biết, năm 2019, ngành khí đóng góp ngân sách tỉnh BR-VT hơn 2.300 tỷ đồng. Năm 2020, con số này là 3.100 tỷ đồng. Năm 2021, với tình hình huy động khí như hiện nay thì mức đóng góp ngân sách của ngành khí cho tỉnh BR-VT sẽ giảm đáng kể so với năm 2020 với mức giảm dự kiến cả năm hơn 430 tỷ đồng.
Mất cân đối nguồn cung
Thời gian qua, việc huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy tốc độ chuyển dịch năng lượng của Việt Nam đang biến chuyển theo xu thế chung. Thế nhưng, bài toán cân đối huy động các nguồn điện, phù hợp với thực tiễn và chiến lược năng lượng quốc gia đang cho thấy dấu hiệu mất cân đối.
Theo PVN, tình hình giảm huy động khí cho phát điện đang diễn ra với quy mô, tần suất ngày càng cao. Trong khi đó, tỷ lệ huy động các nhà máy nhiệt điện than vẫn ở mức cao và việc cấp phép ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu hạ tầng đồng bộ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện mặt trời, điện gió theo chính sách ưu tiên năng lượng tái tạo được huy động tối đa với giá bán điện cao hơn nhiều so với giá nhiệt điện khí. Hiện tại hệ thống điện đang huy động 4.460 MW điện mặt trời vận hành trước 30/6/2019 có giá bán là 2.086 đồng/kWh, 7.910 MW điện mặt trời mái nhà từ 1/7/2019 có giá bán 1.943 đồng/kWh, 12.040 MW điện mặt trời mặt đất có giá bán 1.644 đồng/kWh. Ngoài ra, tổng công suất điện gió đến cuối năm 2021 dự kiến đạt 6.250 MW và được bán với giá 1.928 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bình quân các cụm nhà máy điện thấp hơn. Chẳng hạn như tại các nhà máy điện Phú Mỹ, giá bình quân là 1.175 đồng/kWh.
Như vậy, tất cả các dạng năng lượng tái tạo hiện nay đều có giá cao hơn giá nhiệt điện khí, trong khi nhiệt điện khí cũng là năng lượng sạch.
Lãng phí nguồn lực đầu tư
Với vai trò chủ lực trong thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, trong quá trình hoạt động, PV GAS đã từng bước xây dựng hạ tầng ngành công nghiệp khí tương đối hoàn chỉnh. Ông Dương Mạnh Sơn, Chủ tịch HĐQT PV GAS cho biết: PV GAS đang quản lý 5 hệ thống khí dài trên 1.500 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 10 tỷ m3/năm, 14 kho chứa LPG công suất gần 150 ngàn tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí rộng khắp trên toàn quốc… có giá trị tài sản trên 70 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ kéo theo việc giảm lượng khí tiêu thụ, giảm khai thác khí ngoài các mỏ dầu khí ngoài khơi. Đồng thời ảnh hưởng đến công tác đầu tư đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong nước nói chung và tại các vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm nói riêng. Đặc biệt, hiệu quả thấp của điện khí cũng sẽ tác động đến việc thu hút đầu tư phát triển các dự án nhập khẩu LNG phục vụ phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG.
Trước thực trạng này, các DN cung cấp khí cho rằng, để bảo đảm hiệu quả tổng thể của toàn bộ chuỗi giá trị khí đã được đầu tư và tạo nền tảng cho việc tiếp tục phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế các sản phẩm khí là nguồn năng lượng xanh, sạch; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, nên có sự công bằng trong việc huy động các nguồn điện và phát triển chuỗi giá trị khí - điện hiệu quả.
Bài, ảnh: PHAN HÀ