Ngư trường đánh bắt ngày càng cạn kiệt, giá thu mua hải sản thấp, trong khi giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua khiến nhiều ngư dân đã tính đến chuyện cho tàu cá “nằm bờ”.
Nhiều tàu cá cơ nguy cơ phải “nằm bờ” do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua. Trong ảnh: Tàu thuyền neo đậu tại Khu nẻo đậu tránh trú bão Bến Lội -Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. |
Vừa về bờ sau chuyến ra khơi đầu tiên trong mấy tháng qua, ông Trần Thanh Vũ, ngư dân TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ không khỏi buồn bã khi sản lượng đánh bắt ít, nay giá xăng dầu lại tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc ngư dân phải thêm chi phí, khó khăn lại chồng khó. “Hơn 20 năm hành nghề đánh bắt trên biển, chưa năm nào nghề biển lại khó khăn như năm nay”, ông Vũ than thở.
Ông Vũ cho hay, từ đầu năm đến nay, ông mới đi được vài chuyến biển nhưng chuyến nào cũng thua lỗ do khai thác không hiệu quả, trong khi giá thu mua hải sản thấp. Xăng dầu tăng giá không chỉ khiến chi phí mỗi chuyến đi biển tăng lên đáng kể mà phí vận chuyển hải sản cũng tăng lên gấp đôi.
Theo tính toán của ông Vũ, trước khi xảy ra dịch bệnh, ông thuê một chiếc xe tải loại 6-7 tấn chỉ khoảng 600 ngàn đồng/chuyến, thì nay đã lên 1,2 triệu đồng/chuyến. Như vậy, chi phí mỗi chuyến biển của tàu ông Vũ tăng thêm 50-70 triệu đồng, lên mức hơn 350 triệu đồng, thay vì 280-300 triệu đồng như mọi khi.
“Mấy chuyến vừa rồi tôi đều lỗ 50-70 triệu đồng/chuyến. Xăng dầu ngày càng tăng, giá các loại nhu yếu phẩm đều tăng mà giá thủy sản không tăng. Với mức chi phí này, chúng tôi chỉ mong hòa vốn là đã may mắn lắm rồi chứ chưa nói đến chuyện lời lãi. Nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ ngư dân phải để tàu nằm bờ là điều khó tránh khỏi”, ông Vũ bộc bạch.
Ngư trường ngày càng kiệt, trong khi chi phí mỗi chuyến ra khơi tăng mạnh khiến thu nhập của ngư dân đạt thấp. Trong ảnh: Ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền chuẩn bị lưới cụ để ra khơi. |
Tại huyện Xuyên Mộc, các tàu khai thác xa bờ cũng lỗ nặng khi giá xăng, dầu tăng. Ông Nguyễn Đình Liến, ngư dân ở ấp Bình Hòa, xã Bình Châu có 2 tàu cá công suất 1.300CV/chiếc, chuyên đánh bắt xa bờ. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, tàu của ông thường đi khoảng 3-4 tháng, nay do giá xăng dầu tăng cao, ông buộc phải rút ngắn hải trình đánh bắt còn 2,5 tháng để tiết kiệm chi phí xăng dầu.
Ông Liến phân tích, khi chi phí nhiên liệu tăng cao, với những con tàu càng lớn, đi càng xa thì tỷ lệ thua lỗ càng cao. Mỗi chuyến ra khơi, tiền xăng dầu chiếm 50 - 60% tổng chi phí nên có chuyến bị lỗ, không đủ tiền trả cho lao động. “Hiện nay chi phí đi biển của mỗi tàu đều tăng từ 30-50 triệu đồng do xăng dầu tăng giá, trong khi giá thu mua hải sản không tăng tương ứng. Với mức chi phí như hiện nay, chúng tôi nắm chắc thua lỗ sau mỗi chuyến biển”, ông Liến than thở.
Trước những khó khăn trong việc đánh bắt thủy sản, ngư dân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách bình ổn giá xăng, dầu để hỗ trợ ngư dân vươn khơi; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân đầu tư cải tiến phương tiện, ngư cụ… Có như vậy, ngư dân mới yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 5.771 tàu cá, trong đó có khoảng 2.867 tàu đánh bắt xa bờ. Khai thác hải sản hàng năm vẫn đóng góp nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, cùng với giá xăng dầu liên tục tăng cao, việc thiếu bạn ghe, nguồn lợi thủy sản suy giảm… khiến hàng trăm tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh phải “nằm bờ” vì lo thua lỗ. Ước tính có khoảng 1/3 tàu cá khai thác xa bờ hiện không ra khơi hoặc có số ngày đi biển ít hơn thường lệ. |