CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Nhân lên hiệu quả nguồn vốn chính sách

Chủ Nhật, 21/11/2021, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng nguồn vốn hoạt động tăng lên 59 lần, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,03% trên tổng dư nợ. Đây là kết quả sau 20 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh. 

Người dân phường Long Hương (TP. Bà Rịa) nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tỉnh.
Người dân phường Long Hương (TP. Bà Rịa) nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tỉnh.

Vốn tăng, chương trình cho vay mở rộng

Ông Lê Văn Trương, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Khi mới thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị nhận nguồn vốn bàn giao là 62 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương 52 tỷ đồng, vốn địa phương 10 tỷ đồng). Đến nay, sau 20 năm hoạt động, tổng nguồn vốn đã lên 3.725 tỷ đồng, tăng 59 lần so với ngày mới thành lập. 

Ở thời điểm đó, NHCSXH chỉ nhận bàn giao 3 chương trình cho vay với tổng dư nợ là 52,5 tỷ đồng. Cụ thể, cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ NHNN-PTNT 28,4 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc 24 tỷ đồng và cho vay HSSV từ Ngân hàng Công thương 147 triệu đồng. Đến nay, NHCSXH tỉnh đang thực hiện 12 chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ và của UBND tỉnh. Doanh số cho vay đạt 9.445 tỷ đồng cho hơn 495 ngàn lượt hộ nghèo và các hộ chính sách khác. Tổng dư nợ ước đạt đến cuối năm nay là 3.200 tỷ đồng, với 74,4 ngàn hộ dư nợ, tăng hơn 3.147 tỷ đồng (tăng 60 lần) so với ngày thành lập. Riêng chương trình nông thôn mới, đến nay dư nợ cho vay hơn 1.984 tỷ đồng với 45 ngàn hộ vay vốn tại 45 xã, chiếm tỷ lệ 62%/tổng dư nợ.  

Cùng với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát tốt. Khi mới thành lập, chi nhánh nhận bàn giao từ các tổ chức tín dụng tổng nợ xấu (nợ quá hạn) là 25 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3% trên tổng dư nợ, đến nay nợ quá hạn của chi nhánh là 1,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,03% trên tổng dư nợ.

Phát huy vai trò các tổ chức

NHCSXH đã thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên). Bên cạnh đó còn có sự tham gia của trưởng ấp, trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm & vay vốn và việc sử dụng vốn của hộ vay.

Hàng tháng, NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn tối thiểu một lần vào ngày cố định (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật). Điểm giao dịch xã công khai các văn bản về tín dụng chính sách của Chính phủ, bộ ngành, của NHCSXH và của UBND tỉnh, danh sách các hộ vay... để nhân dân và chính quyền địa phương biết, giám sát và phối hợp thực hiện.

Đến nay, toàn tỉnh đã mở 82 điểm giao dịch cấp xã tại 82 xã, phường, thị trấn. Việc phục vụ nhân dân tại xã là một phương thức hoạt động đặc thù riêng của NHCSXH đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện thuận lợi ngay tại địa phương nơi cư trú. 

Theo NHCSXH, giai đoạn 2022-2025, nhu cầu vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, chương trình giải quyết việc làm, các chương trình nông thôn mới còn nhiều. Tuy nhiên, nguồn vốn hạn chế, nên suất cho vay bình quân 1 hộ hoặc 1 lao động còn thấp, chỉ dao động từ 36 - 38 triệu đồng, dù Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nâng mức đầu tư tối đa lên 100 triệu đồng/hộ.

Ngày 4/10/2002 Chính phủ thành lập NHCSXH trên cơ sở cơ cấu lại ngân hàng phục vụ người nghèo, nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Đây là tổ chức tín dụng đặc thù trực thuộc quản lý, chỉ đạo của Chính phủ, được cấp vốn điều lệ hoạt động, huy động vốn cho vay. Các đối tượng chính sách chương trình cho vay, mức vay, lãi suất cho vay do Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

2022 là năm đầu tiên của giai đoạn giảm nghèo đa chiều 2022-2025. Trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và người lao động mất việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp. Do vậy, nhiều đối tượng lao động có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm. Trong điều kiện phân bổ nguồn vốn như hiện nay, NHCSXH khó đáp ứng được. Do đó, NHCSXH đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành bố trí tăng nguồn vốn các chương trình cho vay của Trung ương. Trong đó, chú trọng cho vay giải quyết việc làm nhiều hơn, đặc biệt ưu tiên giải quyết việc làm lao động nông thôn, học sinh học nghề ra trường tạo việc làm và bộ đội xuất ngũ...

Về phía địa phương, NHCSXH cũng đề nghị cân đối hàng năm nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo các đề án, mục tiêu giảm nghèo; tạo việc làm phát triển nông thôn mới của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ NHCSXH trong việc xác nhận đối tượng vay vốn, quản lý dư nợ, xử lý nợ quá hạn, tạo điều kiện thuận lợi tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn để chi nhánh NHCSXH tỉnh phục vụ cho nhân dân thuận tiện hơn.

Bài, ảnh: HÀ AN

;
.