Cao su tăng giá, doanh nghiệp hưởng lợi

Thứ Sáu, 26/11/2021, 22:28 [GMT+7]
In bài này
.

Với giá tăng cao, ngành cao su đang được xem là một trong số ít ngành may mắn nhất khi có được lợi nhuận cao trong năm nay.

Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa chế biến cao su tại xưởng.
Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa chế biến cao su tại xưởng.

Những ngày này, tại các nông trường cao su của Công ty CP Cao su Bà Rịa, công nhân tranh thủ thời gian để thu hoạch và tận thu mủ cao su. Có thể nói, đây là thời gian nước rút của ngành cao su để hoàn thành kế hoạch và các đơn hàng đã ký với đối tác trong và ngoài nước.

Ông Huỳnh Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa cho biết, từ đầu tháng 10, công ty đã bắt đầu khôi phục lại hoạt động bình thường và tiếp tục thực hiện theo phương án tổ chức sản xuất phù hợp, an toàn phòng chống dịch COVID-19, vận động công nhân tranh thủ thời gian khai thác, chế biến. Khác với nhiều năm trước, giá cao su năm nay tăng và giữ mức ổn định với mức bình quân hơn 40 triệu đồng/tấn; có những tháng đạt đỉnh đạt từ 45-46 triệu đồng/tấn, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021. Giá tăng cao giúp doanh thu của DN tăng, dù sản lượng khai thác ít nhiều bị ảnh hưởng do dịch. Tính đến thời điểm này, công ty đã khai thác được hơn 6.644 tấn mủ cao su, tiêu thụ hơn 6.198 tấn, trong đó xuất khẩu 2.208,96 tấn. Doanh thu đạt hơn 260,1 tỷ đồng,  kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 triệu USD, tăng khoảng 20%, lãi sau thuế hơn 68 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. “Những tháng cuối năm là mùa cao điểm của ngành cao su, cộng thêm giá cao su năm nay tăng so năm trước nên công ty cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời tiếp tục cân đối nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng tiêu thụ đến cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho năm 2022. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục triển khai sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững và đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, thị trường mới”, ông Huỳnh Quang Trung nói.

Còn tại Công ty CP Cao su Thống Nhất, năm 2021 dự kiến khai thác 1.138 tấn, tiêu thụ 1.089 tấn, tổng doanh thu 93 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành 90% kế hoạch năm. Ông Đặng Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Thống Nhất cho rằng, giá cao su tăng là tín hiệu đáng mừng cho ngành cao su vượt qua khó khăn. Hiện nay, mặc dù lực lượng lao động vẫn chưa đạt 100% công suất nhưng công ty cũng vận động công nhân tranh thủ thời gian để khai thác mủ để kịp các đơn hàng đã ký kết với đối tác trong năm 2021 và xây dựng kế hoạch ký kết các hợp đồng tiêu thụ mới cho năm 2022.

 Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy, khai thác cao su thiên nhiên trên toàn thế giới năm 2021 dự kiến 13,86 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến 14,166 triệu tấn. Như vậy, số liệu cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng rất mạnh trong năm nay. Ngoài ra do nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Một yếu tố khác là Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam đang thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn mủ cao su để bù đắp mức thiếu hụt trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cao su tại các thị trường EU, Mỹ, Ấn Độ… để phục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cao su cả nước đạt 1,49 triệu tấn, kim ngạch 2,47 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tại BR-VT, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 5,87 triệu USD, tăng 51,55%. 

Qua phân tích các yếu tố trong và ngoài nước, dự báo cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, giá cao su sẽ tiếp tục có xu hướng tăng… Để có thể đàm phán ký kết các hợp đồng với đối tác trong năm 2022 với mức giá mới tăng theo giá nguyên liệu, các DN đang nỗ lực thực hiện xong các hợp đồng đã ký của năm 2021 và theo dõi sát diễn biến thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, giá cả chỉ chiếm một phần trong hoạt động kinh doanh vì tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm cao su thiên nhiên toàn cầu cũng được nâng cao hơn, trong đó chú trọng nhiều đến các yếu tố liên quan đến bảo vệ môi trường. Vì vậy, dù là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su nhưng các DN ngành cao su Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý, sản xuất, chế biến để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho các sản phẩm cao su thiên nhiên và mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.