Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố danh sách 16 ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết 20.613 tỷ đồng, đến hết năm 2021. Ngoài việc giảm lãi suất , nhiều ngân hàng cũng đang tung các gói tín dụng ưu đãi.
BIDV đang triển khai gói tín dụng mới quy mô 30 ngàn tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ. |
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 NH đã đồng thuận giảm lãi suất gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank.
Việc hỗ trợ giảm lãi suất của các NH trong đợt này nhằm hỗ trợ DN chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank - Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: Đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng bị dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã chủ động triển khai đồng loạt các chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ, lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ.
Tính từ 15/7 đến nay, Agribank Vũng Tàu đã giảm lãi suất cho vay 2.131 khách hàng, tổng số tiền giảm 11 tỷ đồng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 44 khách hàng, với dư nợ 89 tỷ đồng; Giải ngân 38 khoản vay, số tiền 26,3 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 3,3%-6%/năm.
Hiện nay, đơn vị đang triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, giải ngân đến 31/12, lãi suất ưu đãi giảm 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; Giảm 10% lãi suất cho vay thẻ tín dụng xuống còn 11,7%/năm (mức lãi suất cho vay thẻ tín dụng thấp nhất trên thị trường hiện nay).
Ngoài ra, Agribank Vũng Tàu còn miễn 100% phí mở tài khoản, phí chuyển tiền trên các kênh thanh toán: tại quầy, E-Mobile Banking, SMS Banking, Internet Banking, Bankplus; Miễn phí phát hành thẻ chíp nội địa, phí phát hành lại thẻ. Tổng số tiền miễn các loại phí cho khách hàng 630 triệu đồng. Đặc biệt, khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking được tặng ngay 100.000 đồng vào tài khoản, tổng giá trị giải thưởng là 10 tỷ đồng, thời gian đến hết ngày 25/12.
BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Giám đốc BIDV- chi nhánh Bà Rịa, trong thời gian qua, BIDV Bà Rịa cũng triển khai một loạt chính sách hỗ trợ các nhóm khách hàng là cá nhân, DN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, BIDV Bà Rịa đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ cho vay lên đến 3.534 tỷ đồng. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát để thực hiện giảm phí, lãi suất cho vay để tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hanh cùng DN vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động”, bà Thuỷ chia sẻ.
Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN- Chi nhánh BR-VT khẳng định, trong thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện giảm lãi suất cho vay. Với nguồn lực như hiện nay, các ngân hàng sẵn sàng cho DN vay để phục hồi sản xuất. Do đó, các DN hãy liên hệ với các NH để được vay vốn.
Kiểm soát nợ xấu
Đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành ngân hàng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, trong đó có giảm lãi suất và cơ cấu nợ. Điều này dẫn đến nợ xấu tăng cao. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 có thể tăng lên mức 7,1% - 7,7%; xấp xỉ 8% và những hệ luỵ của nó có thể kéo dài sang năm 2022.
Tại BR-VT, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên tỷ lệ nợ xấu tăng lên trên 1% và tăng 21,36% so với cuối năm 2020, tương đương 220 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, trong tháng 8/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề xuất NHNN nên kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho DN và ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Quan điểm của NHNN là thận trọng, an toàn hệ thống, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, VNBA cho rằng NHNN nên báo cáo Chính phủ thực trạng các DN và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến. Từ đó, đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho DN và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bài, ảnh: PHAN HÀ