Đó là ý kiến của đại diện các DN tại hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội DN, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra sáng 14/9 do tỉnh BR-VT tổ chức. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Văn phòng Tỉnh ủy BR-VT với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ” đã làm tăng chi phí cho DN. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH thép SMC chuẩn bị vật dụng cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”. |
Doanh nghiệp mong sớm có vắc xin
Tham gia hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu, đại diện hiệp hội DN, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đã đóng góp nhiều ý kiến, phản hồi và đề xuất xung quanh các nội dung, giải pháp về việc tăng cường thu hút đầu tư vào BR-VT; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất song song với phòng, chống dịch. Trong đó, mong muốn lớn nhất của các DN là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người lao động. Bởi hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho người lao động tại các KCN mới đạt 36%, mũi 2 đạt khoảng 3%.
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản khu vực phía Nam cho biết, thời gian qua, các DN Nhật Bản tại BR-VT đã cố gắng duy trì sản xuất bằng cách tổ chức thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, đồng thời triệt để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài, chi phí duy trì “3 tại chỗ” tăng cao, đặc biệt tại các DN đông lao động, chi phí như xét nghiệm nhanh cho toàn bộ người lao động 3 ngày/lần trở thành gánh nặng. Để giảm tải các khó khăn cho DN, thì việc tiêm vắc xin cho người lao động là biện pháp tối ưu. Nhưng đến nay người lao động của nhiều DN vẫn chưa được tiêm vắc xin.
Đồng quan điểm, ông Matsumura Hirogshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho rằng, tiêm vắc xin là “chìa khóa vàng” để giải quyết triệt để các khó khăn hiện nay. DN hiểu và chia sẻ, vì tỉnh không chủ động được nguồn vắc xin mà phụ thuộc vào sự phân bổ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận thì tỷ lệ tiêm vắc xin tại BR-VT còn rất thấp. “Một nhà máy muốn hoạt động ổn định thì phải liên kết đối tác ở các khu vực lân cận. Khi các tỉnh lân cận đạt tỷ lệ vắc xin cao, khống chế được dịch thì người lao động từ tỉnh khác đến có thể làm lây lan dịch bệnh cho lao động trong tỉnh. Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm phân bổ nguồn vắc xin để tất cả người lao động có thể được tiêm vắc xin trong tháng 9/2021”, ông Matsumura Hirogshi bày tỏ.
Cùng DN hành động để tháo gỡ nút thắt
Công ty TNHH Thép Vina Kyoei có 3 xưởng sản xuất nhưng hiện chỉ hoạt động 1 xưởng vì khó khăn trong việc thực hiện “3 tại chỗ”. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, BR-VT là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển như: có 93% tổng trữ lượng dầu mỏ và 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước; được nhà nước tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển quốc gia và quốc tế hiện đại, nằm trong vùng trọng điểm của Chương trình du lịch quốc gia. BR-VT cũng là một trong những địa phương luôn nằm trong top dẫn dầu PCI do VCCI bình chọn hàng năm, trong đó năm 2020 đứng ở vị trí thứ 15.
Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tới các DN đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các DN nước ngoài đang đầu tư tại đây. Cuộc đối thoại này là minh chứng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các DN FDI trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo ông Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 với các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó COVID-19, bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Trong đó, Chính phủ giao VCCI nắm bắt tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng DN trong nước và nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để báo cáo Chính phủ và giao cho các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời. “Sắp tới, VCCI sẽ ra mắt Hội đồng hợp tác DN ứng phó COVID-19 và ra mắt nền tảng trực tuyến 24/7 tiếp nhận phản hồi của DN. Tham gia hội đồng gồm đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương, các DN trong và ngoài nước”, ông Phòng cho hay.
Phương án sản xuất “3 tại chỗ” đang chịu gánh nặng lớn cả về chi phí lẫn nhân lực. Do đó, đây không thể là phương án phù hợp về lâu dài. Đề nghị tỉnh chấp thuận cho người lao động được về nhà trên cơ sở thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”, cho người lao động đi lại bằng xe máy. DN sẽ yêu cầu người lao động ký cam kết tuân thủ quy định trong quá trình thực hiện.
(Ông Kim Yong Chul, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh)
|
Giải đáp ý kiến của DN, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh hiểu và chia sẻ với những gánh nặng chi phí mà DN đang chịu đựng và mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đồng hành của DN trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bởi dịch bệnh còn phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm, BR-VT là một trong những tỉnh trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đóng góp lớn vào kinh tế vùng và cả nước. Vì vậy, Chính phủ rất quan tâm phân bổ vắc xin cho tỉnh. Dự kiến trong tháng 9 và quý 4/2021, tỉnh có nguồn vắc xin để tiêm đủ cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên nhằm tái mở cửa nền kinh tế.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - TRÀ NGÂN