FDI giữ vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế của địa phương

Thứ Năm, 16/09/2021, 00:23 [GMT+7]
In bài này
.

Giai đoạn 2016-2020, BR-VT luôn thuộc nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô vốn, dự án. Đặc biệt, các DN FDI đã  đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước ngay cả khi đang trong quá trình triển khai xây dựng dự án.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu. Ảnh: THANH NGA
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu. Ảnh: THANH NGA

Không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh

Toàn tỉnh hiện có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 30 tỷ USD (chiếm 1,26% tổng số dự án FDI của cả nước). Trong đó, có nhiều dự án FDI quy mô lớn, đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics, du lịch-dịch vụ… góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Theo Sở KH-ĐT, BR-VT hiện chiếm gần 10% tổng vốn FDI của cả nước, đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn FDI. Suất đầu tư FDI tại BR-VT có quy mô khá cao, trung bình đạt 86,7 triệu USD/dự án.

Điều đáng nói là, dù số vốn đầu tư có quy mô khá cao ngay từ  đầu, nhưng trong quá trình hoạt động, các DN tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh. Điều này đã minh chứng cho sự hoạt động hiệu quả của DN

Công ty TNHH Thép Vinakyoei (VKS) là một trong những DN Nhật Bản đầu tiên đi vào hoạt động tại KCN Phú Mỹ 1 (TX.Phú Mỹ). Công suất sản xuất ban đầu của VKS là 350 ngàn tấn/năm. Đến nay, sau 26 năm đi vào hoạt động, VKS đã xây dựng thêm xưởng luyện cán thép với công suất 500 ngàn tấn/năm, nâng công suất của nhà máy lên 850 ngàn tấn/năm, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD. Dây chuyền sản xuất của VKS sử dụng các thiết bị sản xuất tiên tiến nhất với công nghệ cán trực tiếp. Nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 650 lao động. Năm 2020, VKS đã cán cột mốc 10 triệu tấn sản phẩm. Trong quá trình hoạt động, VKS liên tục duy trì sự tăng trưởng. Lãnh đạo VKS cho biết, trong thời gian tới, sẽ nâng công suất sản xuất lên 1 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện các sản phẩm của VKS chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia.

Hay Công ty TNHH Nhà máy Bia Heniken Việt Nam- Vũng Tàu hồi đầu năm nay cũng đã thông báo tăng vốn thêm 68,8 triệu USD. Với việc tăng vốn này, DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để nâng công suất nhà máy lên đạt 1.100 tỷ lít/năm, tức tăng thêm 490 triệu lít/năm. Trong đó, công suất sản xuất bia sẽ là 1.075 tỷ lít/năm và công suất sản xuất nước trái cây lên men là 25 triệu lít/năm.

Đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước

Đến thời điểm này, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (SCG) có tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động cuối năm 2022, đưa vào vận hành thương mại đầu năm 2023. Hiện nay, mặc dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng số tiền nộp ngân sách của SCG khá lớn.  Năm 2020, riêng số tiền thuế thu nhập DN mà SCG nộp là 440 tỷ đồng.

Hay như Công ty TNHH Nhà máy Bia Heniken Việt Nam- Vũng Tàu, năm 2020, chỉ riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, DN đã nộp tới 5.630 tỷ đồng…

Theo đánh giá của các DN, để có được kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh sự nỗ lực mạnh mẽ của các DN, còn nhờ sự nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, đồng thời luôn sát cánh với nhà đầu tư, DN để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN.

PHAN HÀ-TRÀ NGÂN

;
.