Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số

Thứ Tư, 15/09/2021, 21:40 [GMT+7]
In bài này
.

Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên nền tảng số, giao thương trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã hỗ trợ DN khắc phục đáng kể khó khăn về thị trường.          

Đại diện Sở Công thương, các DN tham gia dự án tại đầu cầu BR-VT trong buổi Hội thảo trực tuyến giao lưu giữa DN BR-VT và DN Tsubame - Sanjo (Nhật Bản).
Đại diện Sở Công thương, các DN tham gia dự án tại đầu cầu BR-VT trong buổi Hội thảo trực tuyến giao lưu giữa DN BR-VT và DN Tsubame - Sanjo (Nhật Bản).

Kết nối trực tuyến

Với nền tảng Zoom, 200 thành viên của BNI Unity Chapter Bà Rịa đã tham gia ngày hội kết nối giao thương trực tuyến. Điều đặc biệt hơn với những lần kết nối giao thương trực tiếp là với việc tổ chức trực tuyến, ngày hội còn thu hút hàng ngàn DN thành viên BNI cả nước tham gia. Dù không thể nhìn tận mắt, sờ tận tay sản phẩm của mỗi thành viên, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài thì hình thức giới thiệu trực tuyến vẫn có hiệu quả nhất định. Ông Phạm Phú Khanh, chủ cơ sở sản xuất cà phê 161, thành viên mới của BNI cho biết, khi tham gia BNI ông có nhiều cơ hội để giới thiệu sản phẩm cà phê của mình đến mọi người không chỉ trong tỉnh mà còn ra các tỉnh, thành khác dù chỉ thông qua hình thức kết nối online. “Qua hình thức này, cơ hội kinh doanh của DN cũng tăng lên thấy rõ. Đây cũng là hình thức buộc DN phải thích ứng không chỉ trong thời gian giãn cách mà cả sau này”, ông Khanh chia sẻ.

Bà Vũ Thị Xuyến, Chủ tịch BNI Unity Chapter Bà Rịa cho biết, sau 1 năm đi vào hoạt động, BNI Unity Chapter Bà Rịa đã tổ chức gần 50 buổi kết nối giao thương, qua đó đã trao 3.743 cơ hội kinh doanh, với tổng giá trị giao dịch 40,16 tỷ đồng. Thế nhưng dịch COVID-19 xảy ra, để các hoạt động không bị gián đoạn, BNI Unity Chapter Bà Rịa đã chuyển sang hình thức kết nối giao thương trực tuyến. “Nếu trước đây các buổi kết nối theo hình thức trực tiếp, cơ hội kinh doanh chỉ gói gọn trong tỉnh, tuy nhiên với hình thức mới, BNI Unity Chapter Bà Rịa có thể kết nối với khoảng 7.000 DN trong cả nước, nhờ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh hơn”, bà Xuyến nói.

Với nhiệm vụ hỗ trợ DN duy trì sự kết nối với đối tác, phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, Sở Công thương đã nỗ lực tìm giải pháp và nhanh chóng chuyển đổi cách thức XTTM trực tuyến, làm cầu nối để DN tham gia các hội nghị XTTM mà Bộ Công thương tổ chức. Đơn cử như hoạt động XTTM với các DN tại TP. Sanjo qua hình thức trực tuyến do Sở Công thương tổ chức cũng đã giúp các DN tỉnh hiểu về quy trình sản xuất một sản phẩm và cách phân phối sản phẩm ra thị trường. Ông Hoàng Đại Hải, đại diện Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tiến Dũng (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cho biết, do dịch bệnh nên hoạt động xuất khẩu bàn nail và các sản phẩm đi kèm như dép xốp, khẩu trang… sang châu Âu bị ảnh hưởng. Thông qua hoạt động XTTM online do Sở Công thương tổ chức, công ty đã được kết nối với các DN Nhật Bản để tìm hiểu quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm. “Việc kết nối, xúc tiến qua hình thức online tuy hạn chế là chưa gặp mặt trực tiếp đối tác nhưng đã giúp DN có thêm cơ hội hợp tác với DN Nhật Bản và thích ứng với hoạt động XTTM qua nền tảng số”, ông Hải cho biết thêm.

Một buổi kết nối giao thương của BNI Unity Chapter Bà Rịa được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Một buổi kết nối giao thương của BNI Unity Chapter Bà Rịa được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trên nền tảng số

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong XTTM kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đã giúp DN vừa tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế vừa bảo đảm phòng chống dịch. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu, KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên các hoạt động xuất nhập khẩu của công ty phải chuyển sang hình thức online, kể cả các thủ tục giấy tờ. Nhờ đó mà  công ty vẫn ký kết được hợp đồng với đối tác nước ngoài, duy trì sản xuất cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Công thương đã nhanh chóng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để kết nối thường xuyên liên tục giữa DN xuất khẩu trong nước với DN, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức XTTM nước ngoài. Đặc biệt, Cục XTTM nhanh chóng ứng dụng các mô hình XTTM trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, đưa các mô hình này lan tỏa tới nhiều cơ quan, tổ chức, DN trên cả nước. Hàng trăm chương trình XTTM trực tuyến như các hội nghị giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… đã đạt được kết quả nhất định. Điều này đã khẳng định giải pháp đổi mới hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động XTTM truyền thống bị dừng đột ngột, đồng thời bắt nhịp nhanh nhạy với chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục làm cầu nối phối hợp với Bộ Công thương tổ chức các hội nghị XTTM theo hình thức trực tuyến nhằm giúp DN kết nối, tìm kiểm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, trong đó chú trọng hỗ trợ DN kết nối qua các nền tảng số.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.