BR-VT sẽ làm tất cả để hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Năm, 16/09/2021, 00:20 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là tinh thần chính, cũng là cam kết của lãnh đạo địa phương, tiếp tục được thể hiện trong ngày thứ 2 (15/9), Hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội DN, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh LSP đã gặp một số khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ của dự án.  Trong ảnh: Trên công trường dự án LSP. Ảnh: AN NHẬT
Do ảnh hưởng của dịch bệnh LSP đã gặp một số khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ của dự án. Trong ảnh: Trên công trường dự án LSP. Ảnh: AN NHẬT

Phòng, chống dịch vẫn phải đi trước

Mở đầu buổi đối thoại trực tuyến, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh BR-VT sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh, từ đó đưa ra các giải pháp linh hoạt để mở cửa phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh vẫn là ưu tiên hàng đầu cho phòng, chống dịch. Tỉnh đang nỗ lực tối đa làm tốt công tác phòng, chống dịch và cùng với cộng đồng DN thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, ngoài các cấp chính quyền, các DN, nhà đầu tư đóng vai trò hết sức quan trọng, là chủ thể thực hiện và tham gia quan trọng vào quyết định sự thành công của kế hoạch này. Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự chung sức của các DN trong việc thực hiện Chỉ thị 16. Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các DN, nhất là ở các lĩnh vực thuế, bảo hiểm…

Theo đánh giá của tỉnh, trong thời gian qua, việc triển khai “3 tại chỗ” của các DN đã chứng minh được hiệu quả khi dịch bùng phát mạnh. Tại các KCN, CCN, cảng biển trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra chuỗi lây nhiễm hay ổ dịch nào. Qua đó cho thấy, ngoài việc nỗ lực của chính quyền, có sự tham gia nghiêm túc, đầy trách nhiệm của cộng đồng DN trong công tác phòng, chống dịch. Đây là phương án tốt nhất hiện nay,  để các DN vẫn duy trì sản xuất, không bị đứt gãy vì dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế khi giãn cách kéo dài, dịch bệnh càng phức tạp đòi hỏi hàng loạt điều kiện “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”.

UBND tỉnh cho biết, trước mắt, phương án 3 tại chỗ và “1 cung đường, 2 điểm đến”  vẫn sẽ được thực hiện tại các địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về lâu dài UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp. Vì vậy, tỉnh cũng đề nghị DN chủ động căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế  để thực hiện.  

ÔNG HOÀNG QUANG PHÒNG, PHÓ CHỦ TỊCH PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

BR-VT luôn được doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường sản xuất, kinh doanh

Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, tôi đánh giá cao và hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ các hiệp hội, DN, nhà đầu tư tỉnh BR-VT.

Trong những năm qua, tỉnh BR-VT luôn nằm trong top dẫn dầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI bình chọn. Năm 2019, BR-VT đứng thứ 16; năm 2020 đứng thứ 15. Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tới các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các DN nước ngoài. Cuộc đối thoại ngày hôm nay là minh chứng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh tới giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các DN trong bối cảnh COVID- 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh.

Ngày 9/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 đưa ra các giải pháp để Chính phủ và các địa phương hỗ trợ DN ứng phó COVID- 19, bảo đảm mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Trong đó, Chính phủ giao VCCI nắm bắt tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng DN trong nước và nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để báo cáo Chính phủ và giao cho các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, VCCI sắp tới sẽ ra mắt Hội đồng hợp tác DN ứng phó COVID-19 và ra mắt nền tảng trực tuyến 24/7 tiếp nhận phản hồi DN. Tham gia hội đồng gồm đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với vai trò là đại diện của cộng đồng DN Việt Nam, VCCI sẽ nỗ lực trong việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương để mang lại nhiều thông tin thị trường hữu ích, nhiều cơ hội kinh doanh mới cho cộng đồng DN, cũng như tăng cường lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ cộng đồng DN với mục tiêu cải thiện thể chế, chính sách; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các DN yên tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết luôn đồng hành với cộng đồng DN để khắc phục khó khăn do COVID-19, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.

ÔNG WU CHAO HUNG, PHÓ HỘI TRƯỞNG THƯƠNG HỘI ĐÀI LOAN, CHI NHÁNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Nên nới lỏng quy định xét nghiệm với DN đang thực hiện “3 tại chỗ”

Chúng tôi kiến nghị tỉnh mở rộng việc xin giấy phép thông hành, chủ yếu là khi có nhu cầu về y tế, ngân hàng, mua hàng hóa thiết yếu, chuyển phát nhanh khẩn cấp; Gấp rút hoàn thành việc tiêm ngừa mũi vắc xin đầu tiên cho toàn bộ công nhân trong KCN. Đồng thời, lên kế hoạch thời gian cho liều thứ hai trong thời gian sớm nhất.

Liên quan tới vấn đề test nhanh, do thực hiện nghiêm ngặt “3 tại chỗ”, về cơ bản công nhân không đi ra ngoài, nên việc test nhanh 3 ngày/1 lần đổi thành 7 ngày hoặc 14 ngày, nhằm giảm thiểu chi phí cho DN. Khi người lao động chích đủ 2 liều vắc xin thì cho phép kết thúc thực hiện “3 tại chỗ” để công nhân đi làm và trở về nhà bình thường.

 

Từ nay đến cuối năm phấn đấu 95% dân số được tiêm vắc xin

Tham gia hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu, đại diện hiệp hội DN, nhà đầu tư đã nêu lên các kiến nghị xoay quanh các vấn đề về tiêm phòng vắc xin COVID-19, khắc phục các khó khăn, bất cập trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” và việc thực hiện các thủ tục hành chính trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến, ông Piboon Sirinantanakul, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh LSP đã gặp một số khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ của dự án như đề ra. Vì vậy, để hỗ trợ LSP đạt được mục tiêu kép là an toàn phòng, chống dịch cho người lao động và bảo đảm tiến độ của dự án, LSP mong nhận được sự hỗ trợ của tỉnh phân bổ vắc xin kịp thời cho 100% người lao động. Cho phép giảm thời gian cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài đã được tiêm ngừa đầy đủ. Ví dụ, sau 7 ngày cách ly, các chuyên gia nước ngoài có thể bắt đầu làm việc tại dự án với điều kiện tuân theo các quy định phòng, chống COVID-19 do LSP và các Tổng thầu đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hỗ trợ LSP và các Tổng thầu kịp thời đối với quy trình phê duyệt cho các cơ quan thẩm tra, chuyên gia, chuyên viên, tư vấn, lực lượng lao động từ các tỉnh khác vào tỉnh.  

Ông Bondarenko V.A, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Liên doanh Việt - NgaVietsovpetro cho biết, hiện Vietsovpetro còn khoảng 50 CBCNV đang bị kẹt tại TP. Hồ Chí Minh, không thể di chuyển về Vũng Tàu. Do đó, Liên doanh kiến nghị tỉnh cần có cơ chế đón các nhân viên của đơn vị tại TP.  Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về Vũng Tàu phục vụ công tác sản xuất, đặc biệt đối với những người đã được tiêm 1 hoặc đủ 2 liều vắc xin như: giảm bớt yêu cầu xét nghiệm trước 72 giờ, chỉ cần xét nghiệm tại điểm đón. Giảm bớt thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Cho phép được miễn xét nghiệm cho các nhân sự từ các công trình biển về bờ bằng tàu của Vietsovpetro do trước khi đi biển đã được lưu trú cách ly 7 ngày và xét nghiệm 3 lần bằng phương pháp RT-PCR, đồng thời, những người chỉ làm việc trên công trình biển theo ca từ 15-21 ngày, bảo đảm sạch và không có yếu tố dịch tễ. Tạo điều kiện cho phép xe của Vietsovpetro cũng như các xe của các nhà thầu từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, cũng như trong nội tỉnh được thuận tiện lưu thông để vận chuyển người và hàng hóa phục vụ sản xuất.

Ông Bondarenko V.A cũng đề nghị được hỗ trợ thêm nguồn vắc xin để Vietsovpetro tiêm cho người lao động dầu khí và những người thân thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị định 21 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Dự kiến nhu cầu còn lại của đơn vị là 46.448 liều. Khi phát hiện có trường hợp F0 trên các công trình biển, đề nghị cho phép Vietsovpetro thực hiện theo phương án ứng phó. Không phong tỏa công trình, tiến hành khử khuẩn, cho cách ly F1 tại công trình biển, theo dõi sức khỏe để chuyển về khi cần thiết và chuyển lực lượng mới ra thay thế để bảo đảm sản xuất liên tục.

Phản hồi những kiến nghị của các DN, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nguồn vắc xin của tỉnh phụ thuộc vào sự phân bổ của Trung ương. Tuy nhiên, tỉnh sẽ cố gắng kiến nghị để đến cuối năm nay đạt tỷ lệ 95% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm. Trong đó, đối với người lao động, đến hết tháng 10/2021 sẽ tiêm vắc xin  mũi 1 cho ít nhất 70% và đến hết năm đạt 100%.

Về quy định test COVID-19, trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là quy định của Bộ Y tế đối với các địa phương đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị Số 16/CT-TTg. Các trường hợp có nguy cơ cao thì người lao động phải thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần. Riêng các địa phương khác không thực hiện giãn cách thì xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Tần suất lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp realtime RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19  xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19. Do vậy, đề nghị DN tiếp tục tuân thủ các quy định về xét nghiệm hiện hành cho đến khi Bộ Y tế có hướng dẫn mới về quy định xét nghiệm.

 “Sau Hội nghị này, tỉnh sẽ giao cho Tổ Công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 xử lý và sẽ có thông tin cụ thể đến DN tình hình, kết quả xử lý. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ cùng với DN kiến nghị để được xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN”, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi thêm. 

Bài, ảnh: PHAN HÀ - TRÀ NGÂN

;
.