Trước việc các nước ngày càng gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cơ quan chức năng BR-VT đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn DN sử dụng các biện pháp PVTM để hạn chế rủi ro.
Trong giai đoạn hiện nay các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nhanh, cạnh tranh với ngành sản xuất của nước nhập khẩu đều có thể trở thành đối tượng bị áp dụng các biện pháp PVTM. Trong ảnh: Sản xuất tôn mạ kẽm tại một DN tại BR-VT. (Ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19 và có tính chất minh họa). |
Theo số liệu thống kê của Cục PVTM, tính đến tháng 6/2021, Việt Nam đã bị các nước điều tra 207 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu như: sắt thép (chiếm 32% tổng số vụ việc), sợi (chiếm 8% tổng số vụ việc), nông sản, gỗ, lốp xe... Còn tại BR-VT, từ năm 2016 đến nay, có 7 DN bị áp dụng các biện pháp PVTM. Các sản phẩm bị điều tra gồm: ghế bọc đệm, ống thép, thép chống ăn mòn, nhôm ép và thép mạ kẽm, tháp gió.
Trước tình hình trên, Sở Công thương cho biết, khi các DN và sản phẩm bị áp dụng các biện pháp PVTM, căn cứ danh sách và bảng câu hỏi do Cục PVTM gửi, Sở Công thương sẽ gửi công văn đến các sở, ngành để đề nghị phối hợp trả lời các nội dung có liên quan. Sau đó, Sở tổng hợp và phản hồi cho Cục PVTM để đưa ra các giải pháp vừa phù hợp với quy định quốc tế vừa bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho DN.
Theo đánh giá của Cục PVTM, việc sử dụng các biện pháp PVTM một cách chủ động, hợp lý đã và đang góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, nhờ có các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và bền vững hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nhanh, cạnh tranh với ngành sản xuất của nước nhập khẩu đều có thể trở thành đối tượng bị áp dụng các biện pháp PVTM. Vì vậy, các DN phải coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của mình; chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM cũng như chuẩn bị đủ nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị khởi kiện. Đồng thời, DN cần thường xuyên theo dõi sát các thông tin cảnh báo về PVTM trong quá trình xuất khẩu sang các nước; luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và nhất là không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, khi có những vụ việc PVTM bị khởi xướng, DN cần tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra cũng như phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và Bộ Công thương trong quá trình xử lý vụ việc để được hướng dẫn và được hỗ trợ tốt nhất. Hàng năm, Sở Công thương đều phối hợp với Cục PVTM; VCCI chi nhánh Vũng Tàu tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về hội nhập quốc tế, trong đó có các lớp về PVTM nhằm giúp các DN, hiệp hội DN nắm vững các chính sách pháp luật PVTM cũng như các kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ, giúp DN ứng phó với các vụ kiện PVTM. “Công tác cảnh báo sớm như cung cấp, cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giám sát, theo dõi và có các biện pháp xử lý phù hợp”, bà Vũ Bích Hảo thông tin thêm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU