Cần phương án mới cho cảng biển

Chủ Nhật, 29/08/2021, 21:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 40 ngày thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”, nhiều DN cảng biển cho biết khó kham nổi do chi phí phát sinh lớn, cần có phương án mới thay thế nhằm bảo đảm vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch hiệu quả. 

Xe container vào nhận hàng tại Cảng TCIT.
Xe container vào nhận hàng tại Cảng TCIT.
Chi phí phát sinh hàng tỷ đồng
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, giải pháp “3 tại chỗ” trong ngắn hạn có những hiệu quả nhất định, giúp cảng duy trì nguồn nhân lực để vận hành liên tục với công suất khá tốt. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài, khiến mô hình này đã bộc lộ những hạn chế. Trước hết là chi phí tăng cao. Để bảo đảm cho khoảng 350 nhân viên công ty và nhà thầu 3 tại chỗ trong cảng CMIT, chi phí phát sinh lên đến hơn 1 tỷ đồng/tuần (hơn 4 tỷ/tháng) cho đầu tư hạ tầng thiết yếu, ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp và phí test COVID-19 định kỳ. 
Thực tế, cơ sở hạ tầng cảng biển không được thiết kế xây dựng cho nhu cầu “3 tại chỗ” với số lượng nhân viên lưu trú đông. Do vậy, việc bảo đảm 5K là rất khó và rủi ro lây nhiễm luôn ở mức cao. Số lượng người tham gia “3 tại chỗ” chỉ đủ để duy trì sản xuất ở mức căn bản và không đáp ứng nhu cầu khai thác một cách linh động khi sản lượng tăng, giảm cục bộ và trong ngắn hạn. Ngoài ra, các hoạt động cần tương tác trực tiếp và cần thêm người để tạo thêm giá trị không thực hiện được hoặc hiệu quả thấp. Tâm lý người lao động bị ảnh hưởng sau thời gian dài ở lại nơi làm việc trong môi trường hạn chế và không toàn tâm toàn ý cho công việc do vẫn có những lo lắng về gia đình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất làm việc và an toàn lao động. Ngoài ra, mức độ tin cậy của test nhanh chưa cao, trong khi năng lực xét nghiệm RT-PCR tại địa phương còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, đặc biệt là nhu cầu tăng cao tại cụm cảng và các KCN, giá thành dịch vụ cao và thời gian trả kết quả chậm. 
Nhân viên bộ phận giám sát cảng thực hiện 3 tại chỗ tại cảng CMIT.
Nhân viên bộ phận giám sát cảng thực hiện 3 tại chỗ tại cảng CMIT.
Cần nới rộng “vùng  xanh”
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về đánh giá điều kiện sản xuất, kinh doanh của DN trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu DN tổ chức đánh giá việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường - 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh” tại đơn vị mình. Đồng  thời nêu rõ những thuận lợi, khó khăn và chọn mô hình để DN thực hiện trong thời gian tới. Với mô hình sẽ chọn, dự kiến phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện (thể hiện đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về nơi làm việc, nơi ăn, nơi ở, phương án đưa đón, xét nghiệm cho người lao động) theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. 
Ông Nguyễn Xuân Kỳ cho biết, Cảng CMIT đã có văn bản gửi UBND tỉnh và BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề xuất việc điều chỉnh phương án “3 tại chỗ” tại cảng biển sau ngày 25/8/2021. Theo đó, CMIT đề xuất, UBND tỉnh nghiên cứu cho phép DN thực hiện kết hợp nhiều giải pháp như: Chỉ tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ” cho các nhân viên có địa chỉ cư trú ở tỉnh khác và trong tỉnh nếu ở các vùng đỏ, vùng vàng có nguy cơ cao. Áp dụng giải pháp “vùng xanh + 2 tại chỗ + 1 cung đường”. Giải pháp này vừa theo sát với chiến lược dập dịch của tỉnh là mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, vừa giúp giảm bớt áp lực cho DN. Cụ thể, cho phép nhân viên ở vùng xanh được di chuyển đi làm hàng ngày với cam kết khi về nhà không di chuyển khỏi khu vực xanh đang cư trú và tuân thủ 5K tại địa phương; thực hiện 2 tại chỗ tại nơi làm việc. Về cung đường di chuyển đi làm, DN kiến nghị tỉnh xây dựng chính sách nhất quán giữa các địa phương và DN có thể đưa đón nhân viên tại một số điểm đón quy định trên 1 cung đường thay vì đón tại nhà hay bắt buộc phải thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” đối với những khu vực xanh này.
Hơn 90% khối lượng hàng hóa thương mại đi bằng đường biển cho thấy cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu với một nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam. Trong đó, 2/3 hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ở phía Nam, 100% hoạt động xuất nhập khẩu đi Mỹ đều thông qua khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Do vậy, giữ cho luồng chảy thương mại được suôn sẻ, chuỗi cung ứng không bị ngắt quãng, trước hết phải bảo đảm an toàn cho cảng biển, không để hoạt động khai thác cảng bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Ông Lê Quyết Thắng, Trưởng Phòng An ninh - An toàn Cảng SSIT cho rằng, cần có mô hình mới nới rộng các khu vực vùng xanh vì kéo dài “3 tại chỗ” không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế vừa qua tại cảng đã xuất hiện ca F0. Tuy đã được phát hiện kịp thời, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của cảng nhưng nguy cơ tiềm ẩn là khó tránh khỏi. Vì vậy, SSIT đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, tiếp tục ưu tiên cho khối cảng sớm được tiêm đầy đủ và các ngành liên quan trong chuỗi cung ứng để bảo vệ vùng xanh cảng biển, không đứt gãy chuỗi cung ứng tại khu vực này.

Ngoài ra, DN cũng cho rằng các cơ quan chuyên môn, sở, ngành cần nghiên cứu triển khai dịch vụ test RT-PCR phổ rộng cho DN với chi phí thấp hơn, góp phần đồng hành cùng DN cảng thực hiện “3 tại chỗ”. Các giải pháp kết hợp trên sẽ mở ra hướng mới vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa giúp DN cảng duy trì vận hành một cách linh hoạt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ngoài mục tiêu duy trì khai thác cho tàu mẹ của khu vực Cái Mép, còn có thể chi viện tiếp nhận thêm các tàu nội Á từ Cát Lái hay các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh nếu Cát Lái bị tái tắc nghẽn.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
;
.