Cố gắng đưa thực phẩm đến với người dân

Thứ Tư, 25/08/2021, 00:02 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16, các siêu thị đang nỗ lực sắp xếp, tăng nguồn cung, đồng thời bố trí shipper kịp thời vận chuyển đơn hàng theo yêu cầu.

Nhân viên Lotte Mart Vũng Tàu đi chợ hộ theo đơn đặt hàng online.
Nhân viên Lotte Mart Vũng Tàu đi chợ hộ theo đơn đặt hàng online.

Quá tải đơn hàng online

Theo danh sách đặt hàng trực tuyến (online) do UBND phường Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) cung cấp, chị Ngô Thị Hiền (chung cư Lakeside) vào Zalo cửa hàng Vinmart tại Trung tâm đô thị Chí Linh đặt mua các mặt hàng như: bột giặt, giấy vệ sinh, sữa, gạo nếp, nước mắm, dầu ăn, nước rửa chén… Tuy nhiên, nhân viên tiếp nhận cho biết, đơn của chị còn thiếu vài mặt hàng. Nếu muốn có đủ, chị phải chờ 4 ngày nữa và cũng không bảo đảm đúng thương hiệu theo yêu cầu. Nguyên nhân là đơn hàng đang quá tải, lượng hàng bổ sung về mỗi ngày nhưng vẫn thiếu cục bộ một số mặt hàng.

Lý giải về tình trạng này, một số siêu thị xác nhận, lượng đơn hàng online tăng mạnh. Do đó, nhiều mặt hàng tại một số thời điểm tạm hết cục bộ. Các hệ thống siêu thị đang cố gắng tăng nguồn hàng liên tục để đáp ứng. Ông Ngô Thanh Hưởng, Giám đốc MM Mega Martket Vũng Tàu cho biết, trung bình mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 300 đơn hàng online, tăng 10 lần so với trước thời điểm giãn cách, trong đó các nhóm hàng được đặt nhiều là thực phẩm tươi sống, rau của quả, mì gói, nước mắm, nước tương, dầu ăn… Nhân viên soạn hàng cũng được tăng lên 4-5 lần nhưng do đơn hàng tăng nhiều, siêu thị phải cân đối và thỏa thuận với khách để bảo đảm giao hàng sớm nhất sau 1 ngày.

Ông Phạm Duy Thiên, quản lý chuỗi cửa hàng VinMart+ tại BR-VT cho biết, lượng hàng về hệ thống tăng 200% so với trước giãn cách. Trong đó chủ yếu là các nhóm hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống. Từ khi thành phố siết chặt hơn việc đi lại, Vinmart+ đã thành lập các nhóm zalo kết nối với người dân theo từng khu vực cửa hàng đóng chân để nhận đơn hàng. Đồng thời, bố trí shipper giao hàng theo từng khu vực đã đăng ký với thành phố.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 46/82 chợ còn hoạt động, 5 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 124 cửa hàng bán lẻ và khoảng 3.700 hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa phân bố rộng rãi trên khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Sở Công thương đã đề nghị các địa phương hướng dẫn siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ các quy định về đi lại của nhân viên, shipper, quy định hỗ trợ test COVID; hỗ trợ thu mua hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh như trái cây, thịt các loại, trứng, rau, củ, quả, thủy sản các loại đạt chuẩn của tỉnh... Đồng thời, tiếp tục tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu bảo đảm chất lượng, ATTP; báo cáo Sở Công thương các mặt hàng thiếu hụt hoặc vướng mắc trong khâu vận chuyển để sở kịp thời hỗ trợ.

Khó khăn trong khâu vận chuyển

Theo ông Ngô Nhật Trường, Quản lý chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh TP. Vũng Tàu, hàng hóa của hệ thống bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhưng một số mặt hàng hết sớm hoặc thiếu hàng. Chẳng hạn, một tuần trở lại đây, mặt hàng được đặt nhiều qua nhóm zalo là thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Nhiều đơn vẫn có tình trạng không có hàng như thịt heo, cá... do các đơn vị ký hợp đồng cung ứng gặp khó khăn về nguyên liệu, nhân lực. 

Bà Trần Thị Ngọc Liễu, Phó Giám đốc Co.op Mart Vũng Tàu cũng thừa nhận, có tình trạng một số mặt hàng trong đơn của khách đặt nhưng siêu thị không có. Trong đó, nhiều nhất là cánh gà, đùi gà, trái cây. Các đơn vị sản xuất hàng hóa đã ký hợp đồng với Saigon Co.op đang gặp khó khăn do nhà máy nằm trong khu phong tỏa, thiếu nhân lực sản xuất… vì vậy sản lượng cũng bị giảm theo. Một số nhóm hàng này, nhất là trái cây chỉ về khoảng 80% sản lượng so với bình thường. “Không chỉ vậy, một số nhân viên của siêu thị đi cách ly tập trung do tiếp xúc với F0 đến mua hàng. Vì vậy, siêu thị chỉ còn 1/3 nhân viên làm việc nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận các đơn hàng online. Tuy nhiên, siêu thị cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu”, bà Liễu thông tin.

Bên cạnh đó, một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ còn cho biết, họ gặp khó khăn trong việc giao hàng, nhất là khi các địa phương đều siết chặt việc đi lại. Shipper chỉ được hoạt động trong phạm vi tối đa 4 phường quanh khu vực siêu thị, cửa hàng đóng chân. Vì vậy, nếu ngày nào đơn hàng dồn nhiều vào 1 trong 4 phường shipper được phép giao thì việc giao hàng đến cho người dân sẽ bị chậm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.