.

Phân bón liên tục tăng giá, nông dân lao đao

Cập nhật: 17:15, 02/07/2021 (GMT+7)

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân. Trước tình trạng này, các DN sản xuất phân bón trong nước đã phải hoãn xuất khẩu, đồng thời tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung cho nông dân.

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.  Trong ảnh: Ông La Thanh Sang, xã Tam Phước, huyện Long Điền bón phân Kali kết hợp Urê cho cây lúa.
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Ông La Thanh Sang, xã Tam Phước, huyện Long Điền bón phân Kali kết hợp Urê cho cây lúa.

GIÁ TĂNG GẦN GẤP ĐÔI

Theo khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, giá nhiều loại phân bón có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Một số loại phân bón tăng mạnh từ tháng 11/2020 đến nay. Cụ thể, Kali  giá dao động từ 530 - 580 ngàn đồng/bao (tăng 170 ngàn đồng/bao), NPK 580 - 620 đồng/bao (tăng 100 ngàn đồng/bao), DAP (đen) 890 - 910 đồng/bao (tăng 200 ngàn đồng/bao), đặc biệt, đạm Urê tăng gần gấp 2 lần…

Ông Lâm Thanh Sang (xã Tam Phước, huyện Long Điền) có 3ha lúa Hè-Thu cho biết, để sản xuất 1ha lúa từ lúc xuống giống tới lúc thu hoạch, ông phải bón khoảng 10 bao (mỗi bao 50kg) phân bón các loại, trị giá hơn 4 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, công gieo sạ, thu hoạch... Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón liên tục tăng mạnh khiến chi phí đầu tư tăng theo. "Tháng 11/2020, tôi mua bao đạm Urê Phú Mỹ với giá 380 ngàn đồng, nay tăng lên 680 ngàn đồng. Giá phân bón tăng kéo theo chi phí mỗi ha lúa tăng thêm 3,2 triệu đồng", ông Sang tính toán.

Tương tự, ông Hồ Văn Thư (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trồng 2ha tiêu. Theo ông, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thậm chí cao hơn khi dịch, bệnh bùng phát phải bón lại cho cây. Mỗi năm, chi phí chăm sóc cho vườn tiêu là 100 triệu đồng/ha, trong đó tiền phân bón gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên, giá phân bón tăng mạnh khiến chi phí chăm sóc vườn tiêu tăng cao. “Mỗi bao Urê giá 680 ngàn đồng. Gia đình tôi mới bỏ 2/3 đợt phân nhưng đã hết hơn 100 triệu đồng. Nếu giá phân tiếp tục tăng thì năm nay gia đình phải chi ra hơn 200 triệu mới đủ bỏ phân cho 2ha tiêu”, ông Thư cho biết.

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã phải tính đến phương án sản xuất cầm chừng. Ông Hoàng Long Vỹ (ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết, gia đình ông trồng hơn 1ha bơ. Để đạt sản lượng khoảng 16 tấn/ha, ông phải đầu tư 3 tấn phân các loại. Với giá phân hiện tại, tổng số tiền mua phân là gần 34 triệu đồng. Mọi năm, bơ xuất bán với giá từ 28-30 ngàn đồng/kg, ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Nhưng năm nay giá bán quá thấp, chỉ còn 10-12 ngàn đồng/kg, ông cầm chắc lỗ. "Tôi đang tính toán tìm cách cắt giảm lượng phân để giảm chi phí đầu tư", ông Vỹ cho biết.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 12 ngàn ha trồng cây ăn trái các loại và vụ lúa Hè-Thu vừa xuống giống gần 8.780ha. Giá phân bón tăng cao khiến nông dân gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống.

CHUNG TAY GIẢM GIÁ PHÂN BÓN

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá phân bón tăng mạnh là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp buộc một số nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới phải đóng cửa. Những nhà máy còn lại thì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế hơn. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, có những loại như amoniac, lưu huỳnh tăng tới 50 - 120% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 khiến dịch vụ logistics đứt gãy nhiều công đoạn, chi phí tăng cao, cước phí vận chuyển tăng 3 - 5 lần cũng làm giá phân bón tăng lên.

Trước thực trạng này, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã nỗ lực tăng tối đa sản lượng, kịp thời phục vụ cho nông dân. Theo lãnh đạo Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), từ cuối năm 2020, PVFCCo đã dừng các đơn hàng xuất khẩu để tập trung cho thị trường trong nước. Tính đến giữa tháng 6/2021, PVFCCo đã cung ứng ra thị trường khoảng 555 ngàn tấn phân bón Phú Mỹ các loại, đạt 99,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, sản phẩm NPK Phú Mỹ có sự tăng trưởng vượt trội, ước đạt 80 ngàn tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2020. Đối với các mặt hàng phân bón trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu như kali, ngay từ đầu năm, PVFCCo đã xúc tiến các hợp đồng dài hạn, tìm kiếm nguồn hàng mới. Nhờ đó, lượng ký hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 170 ngàn tấn và đã cung ứng ra thị trường 90 ngàn tấn, bằng 150% so với năm 2020 và đạt 60% kế hoạch năm. Hiện nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ của PVFCCo đang vận hành liên tục với công suất cao nhất, cho ra mỗi ngày khoảng 2.450 tấn đạm Phú Mỹ và gần 1.000 tấn NPK Phú Mỹ chất lượng cao. 

Trong khi đó, ngay từ đầu năm, nhà máy thuộc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã phải dừng, giảm kế hoạch xuất khẩu và tăng công suất lên 105%, qua đó cung ứng gần 500 ngàn tấn urê, NPK… phục vụ thị trường trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giá bán phân bón trong nước hài hòa lợi ích giữa DN và người nông dân, cần sớm sửa đổi những bất cập trong luật thuế khi phân bón là mặt hàng chưa chịu thuế giá trị gia tăng. Khi đó, việc đầu tư, cải tiến kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, qua đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường trong nước.

Bài, ảnh: NHUNG HOA

.
.
.