Nông sản ứ đọng

Thứ Tư, 14/07/2021, 21:44 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm này, nông dân các huyện chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rau, trái cây. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Hàng trăm tấn nhãn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).
Hàng trăm tấn nhãn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).

HÀNG TRĂM TẤN NÔNG SẢN CHỜ NGƯỜI MUA

Ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết, HTX có 19 hộ trồng nhãn xuồng với diện tích khoảng 17ha (trong đó có 6,8ha được chứng nhận VietGAP) đang chuẩn bị vào chính vụ, ước sản lượng khoảng 70-80 tấn. Nhãn của HTX chủ yếu cung cấp cho các hệ thống siêu thị như: Co.op Mart, BigC, Công ty Xuất nhập khẩu quốc tế Thông Đỏ… Trước đây, mỗi ngày HTX cung cấp cho chuỗi hệ thống khoảng 2-2,5 tấn, nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 400-500kg. Hầu hết các hệ thống siêu thị đều cắt giảm số lượng hàng xuống còn phân nửa, riêng Công ty Thông Đỏ đã ngừng mua hàng của HTX do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Không những vậy, giá nhãn xuồng cũng xuống thấp, hiện chỉ còn khoảng 15 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 20-25 ngàn đồng/kg so với trước khi xảy ra dịch bệnh. “Nhãn xuồng khi đã tới thời kỳ thu hoạch thì buộc phải cắt, nếu không chỉ sau khoảng 2-3 ngày, trái sẽ rụng hết. Trong vài ngày tới, khi vào thời điểm rộ mùa, với tình trạng tiêu thụ chậm như hiện nay, nguy cơ nhãn rụng  đầy vườn sẽ rất cao, nông dân rất lo lắng”, ông Hoành chia sẻ thêm. 

Tương tự, hàng trăm tấn nhãn tại các xã: Bông Trang, Hòa Hội, Bưng Riềng, Tân Lâm… đang và chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nhưng. Giá bán chỉ còn 18-20 ngàn đồng/kg nhưng cũng không có thương lái đến thu mua. Dự kiến sản lượng nhãn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc khoảng 2.000 tấn đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Không chỉ nhãn, tại vùng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, vùng nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện Châu Đức, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ… cũng đang tồn đọng hàng trăm tấn cá đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được.  

Việc đóng cửa một số chợ truyền thống do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến các vùng trồng rau giảm sản lượng tiêu thụ. Trong ảnh: Vườn rau của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (xã Phước Hưng, huyện Long Điền).
Việc đóng cửa một số chợ truyền thống do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến các vùng trồng rau giảm sản lượng tiêu thụ. Trong ảnh: Vườn rau của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (xã Phước Hưng, huyện Long Điền).

TẮC NGHẼN KHÂU VẬN CHUYỂN

Theo ông Phạm Thế Hoành, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn là do dịch bùng phát, hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định khác. Nhiều tuyến đường bị phong tỏa, việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nhãn xuồng của HTX chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Các đơn vị thu mua đã kiến nghị Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh cấp mã QR cho phương tiện vận tải được lưu thông qua các chốt kiểm dịch. Hiện nay, mới chỉ có 1 xe được cấp mã, song phải tuân thủ chặt chẽ quy định về số hiệu xe, loại xe, tuyến đường, địa điểm đến-dừng mới được lưu thông, do đó hàng hóa tiêu thụ rất chậm. Nếu không may, chiếc xe cho phép lưu thông bị hư hỏng, thì mọi hoạt động buôn bán buộc sẽ phải dừng lại, không có cách nào để đi. “Mặc dù đã có đơn vị bên Campuchia đặt mua hàng, một số đơn vị cũng đặt vấn đề kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nhưng HTX không có cách nào để chuyển hàng cho đối tác được”, ông Hoành băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) cho hay, 50 thành viên HTX hiện đang canh tác trên diện tích 6ha, sản lượng tiêu thụ trong mùa này khoảng 700kg-1 tấn/ngày. Toàn bộ số rau hiện tại chủ yếu được bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh như: chợ Long Hải, chợ Phước Tỉnh và một số chợ tại Vũng Tàu. Tuy nhiên, các chợ này đã bị đóng cửa, do đó sản lượng tiêu thụ hiện chỉ còn khoảng 400-500kg/ngày. Để giải quyết lượng rau tồn đọng, một số hộ phải chuyển qua bỏ các mối nhỏ lẻ hoặc giao cho một số địa điểm xa hơn. Mặc dù giá rau trên thị trường đang tăng chóng mặt nhưng theo ông Bình, hiện bà con trồng rau chỉ bán được với giá từ 15-17 ngàn đồng/kg rau ăn lá, không tăng nhiều so với trước đây.

Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên thường xuyên thống kê, cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, dự báo tình hình sản xuất, sản lượng thu hoạch, để chủ động hỗ trợ tiêu thụ khi cần thiết; chủ động cung cấp thông tin, sản phẩm sản lượng thời gian thu hoạch… sản phẩm nông lâm thủy sản cho các hội, đoàn thể, các nhà phân phối. Đồng thời tham mưu lập các “Điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng, chống dịch COVID-19” theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, không để đứt gãy từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.