Nhận thấy ngành chế biến thủy sản tập trung đông lao động, môi trường làm việc chủ yếu ở các phòng đông lạnh, nhiệt độ thấp nên nguy cơ lây nhiễm cao, ngày 20/7, UBND TP. Vũng Tàu đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường 11, 12 và phường Rạch Dừa.
Công ty CP thủy sản Cá Vàng không chấp hành các quy định phòng dịch nên buộc phải ngưng hoạt động. |
Sau 3 ngày (ngày 20, 21 và 22/7) kiểm tra công tác phòng dịch tại 11 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động trên địa bàn phường 12 (TP. Vũng Tàu), cơ quan chức năng đã yêu cầu 4 cơ sở ngưng hoạt động vì không bảo đảm công tác phòng dịch.
NHIỀU DN PHỚT LỜ QUY TẮC PHÒNG DỊCH
Chiều 21/7, tại khuôn viên nhà máy sản xuất của Công ty CP Thủy sản Cá Vàng (1738 đường 30/4, phường 12, TP. Vũng Tàu) có 5 xe container vận chuyển nguyên liệu cá các loại từ các vùng biển trên địa bàn tỉnh BR-VT, Khánh Hòa và Kiên Giang. Không cần khai báo y tế, không khử khuẩn, cũng không cần phải đo thân nhiệt, các tài xế và công nhân làm việc ở các khu sản xuất vẫn có thể ra vào nhà máy.
Ông Phan Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cá Vàng cho biết, công ty chuyên sản xuất chả cá với công suất 2.000-2.500 tấn/năm. Trung bình mỗi ngày có 4-5 container chở nguyên liệu từ các tỉnh về nhà máy. Trong thời gian giãn cách, công ty vẫn hoạt động bình thường với 60 người lao động bao gồm ban giám đốc và công nhân, trong đó chỉ có 11 người ở lại nhà máy. Còn lại sau giờ làm công nhân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe 2 bánh hoặc đi bộ) về khu nhà trọ trên địa bàn phường 12, TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa hoặc huyện Long Điền. Trong 6 điều kiện phòng dịch mà các DN phải đáp ứng để hoạt động trong mùa dịch gồm: giãn cách, 5K, 3 tại chỗ, thành lập ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tại DN, kế hoạch test nhanh SAR-CoV-2 cho người lao động và phương án xử lý của DN khi có FO thì Công ty CP Thủy sản Cá Vàng chưa đáp ứng được.
Kiểm tra tại Công ty TNHH Diamond Old (1743 đường 30/4, phường 12, TP. Vũng Tàu) - chuyên sản xuất các mặt hàng bong bóng cá tuyết, thịt cá tuyết xuất khẩu sang các nước Na Uy, Trung Quốc, Tây Ban Nha… cho thấy, hiện còn 45 công nhân đang làm việc tại nhà máy. Công nhân đến làm việc chỉ được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Các tiêu chí khác như xây dựng kế hoạch xử lý khi có ca F0, thành lập ban chỉ đạo COVID-19 cũng không được công ty thực hiện. Bà Nguyễn Thị Linh, Giám đốc Công ty cho biết, do chưa đáp ứng được quy định của Chỉ thị 16 nên công ty đã có kế hoạch chỉ sản xuất đến ngày 25/7. “Hiện số lượng công nhân đang lưu trú tại các nhà trọ gần nơi làm việc nên công ty không thực hiện việc đưa đón hoặc bố trí 3 tại chỗ. Ngoài ra, do việc sản xuất bị lỗ trong khi chi phí test nhanh cứ 3 ngày/lần khá nhiều nên công ty cũng chưa thực hiện được”, bà Linh cho hay.
KIÊN QUYẾT DỪNG HOẠT ĐỘNG NẾU KHÔNG BẢO ĐẢM PHÒNG DỊCH
Theo ông Cao Danh Chánh, Phó Chủ tịch UBND phường 12, trên địa bàn phường hiện có 42 cơ sở chế biến hải sản có giấy phép hoạt động, 10 cơ sở không phép. Qua 3 ngày kiểm tra, 10 cơ sở chế biến hải sản không phép đã không còn hoạt động; 42 cơ sở có giấy phép thì chỉ còn 11 cơ sở đang hoạt động; 31 cơ sở đã chủ động ngưng hoạt động trước khi TP. Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 16 vì không đáp ứng được yêu cầu phòng dịch.
Qua 3 ngày kiểm tra, tổ công tác ghi nhận trong số 11 cơ sở đang hoạt động vẫn còn nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, một số cơ sở còn thiếu 1-2 tiêu chí như: thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có F0. Ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT, tổ trưởng tổ công tác cho biết, mặc dù số lượng các DN chế biến hải sản trên địa bàn phường 12 còn duy trì hoạt động là rất ít, nhưng DN nào không đáp ứng được 1 trong 6 yêu cầu về phòng dịch COVID-19 thì tổ kiên quyết yêu cầu đóng cửa, ngưng hoạt động.
Trong số 11 DN đang hoạt động thì có 4 đơn vị bị tổ công tác lập biên bản và đề nghị UBND phường 12 ra thông báo đóng cửa để phòng dịch, khi nào DN đáp ứng đầu đủ 6 yêu cầu trên thì cho phép hoạt động trở lại. Một số đơn vị thực hiện tốt các quy định phòng dịch nhưng thiếu các phương án xử lý khi có ca F0 theo mẫu mới thì được phép bổ sung trong ngày 22/7. Các DN có nhu cầu test nhanh SAR-CoV-2 cho người lao động thì lập danh sách gửi về tổ công tác liên hệ với Trung tâm Y tế để được hỗ trợ test nhanh, kinh phí do DN chi trả.
Bài, ảnh: QUANG VŨ