.

Các siêu thị bảo đảm đủ nguồn cung

Cập nhật: 23:06, 09/07/2021 (GMT+7)

Mấy ngày qua, các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau củ tăng giá mạnh. Nguyên nhân là do người dân lo sợ ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nảy sinh tâm lý mua gom hàng hóa, cùng với việc một số chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch dẫn tới việc cung cấp hàng hóa bị chậm trễ ở một số khu vực.

Do sức mua tăng đột biến nên một số loại hàng hóa thiết yếu bị thiếu hàng cục bộ, tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã bổ sung đầy đủ hàng hóa trên kệ hàng. Trong ảnh: Người dân mua rau củ tại Co.op Mart Vũng Tàu trưa 9/7.
Do sức mua tăng đột biến nên một số loại hàng hóa thiết yếu bị thiếu hàng cục bộ, tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã bổ sung đầy đủ hàng hóa trên kệ hàng. Trong ảnh: Người dân mua rau củ tại Co.op Mart Vũng Tàu trưa 9/7.

THỊT HEO, RAU CỦ TĂNG GIÁ MẠNH

Tranh thủ đi chợ mua các mặt hàng tươi sống cho gia đình, bà Nguyễn Thị Hồng, ở phường 10, TP. Vũng Tàu cho biết, ngày 6/7 khi đi mua sắm tại cửa hàng trên đường Bình Giã, giá rau, củ quả tăng gần gấp đôi so với ngày thường. “Giá rau muống ngày thường 10.000 đồng bó, nay tăng lên 17.000 đồng, cải ngọt trước chỉ 30.000 đồng/kg nay tăng lên 45.000 đồng/kg. Nhìn chung, các loại rau củ quả tăng mạnh so với trước”, bà Hồng so sánh.

Tương tự, chị Dương Thanh Thủy, nhà ở đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu cho biết: “Đầu tuần trước, tôi mua mướp chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thì ngày 6/7 giá đã tăng lên 48.000 đồng/kg; khổ qua cũng tăng từ 45.000 đồng lên 60.000 đồng/kg. Tôm tươi bình thường dao động từ 150.000 - 160.000 đồng/kg nay tăng tới 250.000 đồng/kg; gà sống cũng tăng từ 90.000 lên 100.000 đồng/kg; sườn non tăng từ 160.000 lên 200.000-220.000 đồng/kg, nạc vai 150.000-160.000 đồng/kg”, chị Thủy cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 9/7, đại diện BQL một số chợ cho biết, các mặt hàng tăng giá chủ yếu là rau củ, quả, trứng, thịt, cá. Nguyên nhân là do tâm lý lo sợ các chợ đóng cửa, người dân đổ xô mua hàng để tích trữ. Ngoài ra, một số chợ đầu mối tạm đóng cửa để phòng, chống dịch, quá trình vận chuyển gặp khó khăn, chi phí vận chuyển tăng dẫn tới một số mặt hàng tăng giá. Tuy nhiên, các mặt hàng thiết yếu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Những ngày qua, nhiều người dân thắc mắc về việc vì sao tiểu thương ở BR-VT lại lấy mối hải sản tại chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) rồi về phân phối cho các chợ, trong khi BR-VT là địa phương có biển, hải sản dồi dào. Một số tiểu thương kinh doanh hải sản tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho biết, những người từ BR-VT lên chợ đầu mối Bình Điền chủ yếu lấy các loại thủy sản nước ngọt như: cá lóc, ếch, tôm… mà không phải ghẹ và các loại cá biển. Sở Công thương cũng cho biết, qua khảo sát tại một số chợ cho thấy, các tiểu thương lấy hải sản từ chợ Bình Điền do mối quan hệ bạn hàng lâu năm, do nguồn thủy sản nước ngọt tại chợ đầu mối dồi dào từ miền Tây lên…

SIÊU THỊ ĐẦY HÀNG, GIÁ ỔN ĐỊNH

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy, lượng người đến mua sắm trong những ngày gần đây tăng 50% so với bình thường, trong đó chủ yếu là mua các mặt hàng như mì gói, rau củ quả, thực phẩm tươi sống. Đơn hàng của mỗi người cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường nên một số loại rau củ và thịt hết sớm hơn mọi ngày, còn lại các mặt hàng khác vẫn bình thường. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng tại các siêu thị ổn định.

Tại Lotte Mart Vũng Tàu, lượng hàng do khách đặt mua tăng lên 4-5 lần. Có thời điểm lượng hàng trên kệ hết, bổ sung không kịp gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ, nhưng ngay sau đó siêu thị đều bổ sung đầy đủ hàng hóa lên kệ. Theo bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc Lotte Mart Vũng Tàu, ngày thường, khi mở cửa siêu thị lúc 8 giờ là hàng hóa đã được sắp xếp đầy kệ. Mấy hôm nay, dịch diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, các chuyến xe chở hàng phải làm thủ tục qua nhiều chốt kiểm soát mới về đến siêu thị nên có chậm hơn. Tuy nhiên, siêu thị khẳng định hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân không thiếu và giá cả ổn định.

Đại diện Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, sức mua trực tiếp tăng gấp 3 lần, lượng khách đặt online tăng 4-5 lần so với tuần trước. Khách mua hàng trong ngày chủ yếu là thực phẩm tươi sống, dù có thời điểm lượng hàng thiếu hụt cục bộ nhưng siêu thị đã bổ sung ngay sau đó. Ngày 9/7, siêu thị đã tăng lượng nhập hàng khoảng 2 xe loại 16 tấn hàng khô và hàng thực phẩm tươi sống.

Theo Sở Công thương, qua nắm tình hình đến ngày 8/7, hoạt động kinh doanh tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ diễn ra bình thường. Sức mua tại chợ tăng 10%, giá tăng chủ yếu ở các nhóm hàng thiết yếu. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sức mua tăng khoảng 30%. Sở đã có văn bản đề nghị các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng và tăng giờ mở cửa, đặt hàng online. Ngày 8/7, Bộ Công thương cũng đã có văn bản đề nghị các DN xem xét mở các điểm bán hàng lưu động theo đúng quy định của pháp luật tại nơi đông dân cư hoặc trong trường hợp điểm phân phối chính bị đóng cửa do có ca nhiễm COVID-19; lập phương án vận chuyển bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bảo đảm nguồn cung hàng hóa.

“Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá bất thường. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi mua hàng, tập trung đông người không bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Người dân chỉ mua hàng hóa đủ dùng trong 2-3 ngày và nên chuyển sang hình thức mua hàng online, điện thoại để được giao hàng tận nơi”, ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.