Bảo đảm chuỗi lưu thông hàng hóa

Thứ Ba, 08/06/2021, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa do tâm lý người tiêu dùng e ngại đến chỗ đông người muốn trữ lương thực hoặc giảm chi tiêu. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc các DN bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để chuỗi lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy.

Người dân khi mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu luôn tuân thủ giãn cách.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động mua bán của các tiểu thương
tại chợ, sức mua đã giảm 50-60%. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Bà Rịa.

KHUYẾN KHÍCH MUA SẮM TRỰC TUYẾN

Theo phản ánh của Ban Quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh doanh tại chợ rất chậm, chỉ có một số mặt hàng liên quan đến thực phẩm, rau củ là bán chạy hơn nhưng cũng đã giảm khoảng 20-30% so với trước đây. Chị Phạm Thị Thanh Trúc, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bà Rịa cho biết: “Hiện khách đến chợ ít nên buôn bán chậm lắm. Trước đây tôi bán được 10 phần thì nay nhiều lắm cũng chỉ được 5 phần, thậm chí có hôm chỉ được 3 phần”.

Trong khi đó, các hệ thống siêu thị bán lẻ cũng tăng cường dịch vụ đặt hàng và giao hàng qua điện thoại, ship đến tận nhà. Đồng thời, tăng lượng hàng dự trữ hơn ngày thường, từ 30- 40%, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, gia vị, nước tinh khiết, đồ hộp, xúc xích, chả giò, sữa; rau củ, quả, trái cây; các mặt hàng tẩy rửa, hóa phẩm... Ông La Trọng Nghĩa, Tổ trưởng Tổ Marketting Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, cùng với hệ thống Co.op Mart trên toàn quốc, Co.op Mart Vũng Tàu cũng phải thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng cùng lúc: đảm bảo nguồn hàng, đảm bảo không gian mua sắm an toàn cho khách và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. “Nhờ chuẩn bị hàng hóa với số lượng rất lớn nên các mặt hàng nhu yếu, hàng bình ổn giá, hàng khô, hàng đông lạnh sẽ được cung cấp ra thị trường đều đặn trong 6 tháng tới. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng đang có nguồn cung cấp ổn định, cộng thêm vận chuyển thông suốt cũng sẽ không có biến động đáng kể trong vài tháng tới. Siêu thị cũng khuyến khích người dân hạn chế đến nơi đông người và tăng cường đặt hàng qua điện thoại, zalo, kênh mua sắm trực tuyến của siêu thị để được phục vụ tận nơi”, ông Nghĩa nói.

Bà Trần Kim Hảo, Trưởng bộ phận thực phẩm Lotte Mart Vũng Tàu cũng thông tin, nguồn hàng tại siêu thị đã tăng lên khoảng 15%, trong đó nhóm mặt hàng gạo, mì ăn liền nguồn hàng dự trữ tăng gấp 2 lần so với thời điểm dịch bùng phát, trong khi đó giá cũng giảm 15%. “Lotte Mart Vũng Tàu đã chủ động làm việc với các nhà sản xuất về nguồn cung hàng hóa nên luôn đảm bảo có đầy đủ nguồn hàng. Thêm vào đó, Lotte còn có nguồn hàng mang nhãn riêng Choice L nên không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu. Đồng thời Lotte Mart Vũng Tàu cũng luôn khuyến khích khách hàng đặt hàng online trên kênh mua sắm trực tuyến của Lotte để giảm lượng người đến siêu thị”, bà Kim Hảo nói.

Người dân khi mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu luôn tuân thủ giãn cách.
Người dân khi mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu luôn tuân thủ giãn cách.

CÂN ĐỐI CUNG - CẦU

Theo Sở Công thương cho biết, dù lĩnh vực thương mại - dịch vụ đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID - 19, nhưng nhìn chung hoạt động mua bán hàng hoá cơ bản đã hồi phục và chỉ số phát triển đã tiệm cận gần với những thời điểm bình thường. Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ, ngành công thương đã và đang triển khai các giải pháp quản lý về thương mại, thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đồng thời gửi công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Nhờ đó, thị trường bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

Tổng doanh thu thương mại - dịch vụ toàn tỉnh 5 tháng đầu năm đạt hơn 60.060 tỷ đồng, tăng 8,01% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thương mại hơn 42.330 tỷ đồng, tăng 2,49%, doanh thu dịch vụ 17.729 tỷ đồng, tăng 23,98%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 10,85%, vượt kế hoạch năm 2021.

Sở Công thương cũng đang xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh COVID- 19. “Việc xây dựng các tình huống dự trữ hàng hóa theo từng cấp độ nhằm bảo đảm khi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình huống nào, Sở sẽ căn cứ vào kế hoạch để triển khai, bảo đảm đáp ứng về nhu cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, phối hợp, điều phối các DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Đồng thời chủ động phối hợp đưa tin chính xác về diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh, không để phát tán tin đồn thất thiệt; tăng cường công tác kiểm tra, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.