Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Sau 2 năm triển khai, chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng mà còn thay đổi trong cách làm nông nghiệp với tư duy thị trường của nông dân.
Trong năm 2020, HTX TMDV Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) có 6 sản phẩm được gắn sao chương trình OCOP. |
NÂNG CHẤT SẢN PHẨM
Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) là đơn vị đầu tiên được gắn 5 sao OCOP cho sản phẩm chủ lực như: tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu 1 nắng, tiêu muối tươi, tiêu không hạt. Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây cho biết, để các sản phẩm được gắn sao, HTX đã có trải qua quá trình xây dựng, nâng cấp cả chất lượng, mẫu mã lẫn thương hiệu. Trong số gần 1.000ha hồ tiêu của HTX, có 15ha được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), gắn bảng theo dõi từ khi trồng đến khi thu hoạch và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật. Không những vậy, sản phẩm còn được thực hiện đúng các quy định về nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký mã vạch…
Nhờ chuẩn bị tốt về cả chất lượng lẫn hình ảnh, các sản phẩm của HTX Bầu Mây ngày càng được đối tác, khách hàng tin cậy và lựa chọn. Theo ông Nhâm, thời gian qua thị trường hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, giá thấp nhưng tiêu Bầu Mây vẫn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn, giá bán cao hơn 25-30% so với tiêu thông thường. Sản phẩm đã chinh phục được các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Sau khi sản phẩm được gắn sao, HTX đã kết nối được với các đối tác phía Bắc thông qua chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng khu vực hợp tác. “Ngoài tiêu, HTX đầu tư mở rộng qua mô hình sản xuất cây hoài sơn trên diện tích khoảng 600ha với 1.000 hộ tham gia, sản lượng trunh bình 35-50 tấn/ha. HTX cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ, chế biến chuyên sâu, đa dạng các sản phẩm như các loại sữa chuyên về chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng, người béo phì, thiếu dinh dưỡng từ củ hoài sơn”, ông Nhâm thông tin thêm.
Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa) cũng có 4 sản phẩm, gồm: rượu Dragon, rượu Club, mật ong đông trùng hạ thảo; đông trùng hạ thảo Cordy được gắn 4 sao cho chương trình OCOP. Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty cho biết, từ khi được lựa chọn tham gia vào chương trình OCOP, Công ty được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm bạn hàng. Thông qua chương trình, Công ty cũng nhận thức rõ được nhu cầu thực tế của bạn hàng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng. Công ty đang tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các tiêu chí của chương trình. “Các sản phẩm được gắn sao như một lời khẳng định chất lượng thương hiệu, giúp chúng tôi tự tin và tự hào hơn. Công ty vẫn không ngừng nghiên cứu nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Sản phẩm đạt chất lượng tốt, phong phú mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường”, bà Vân cho hay.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Hòa Long Cordys của Công ty TNHH Nuôi nấm Hòa Long đạt 4 sao trong đợt xếp loại vừa qua. |
HỖ TRỢ ĐỂ CÓ NHIỀU SẢN PHẨM GẮN SAO
Theo Sở NN-PTNT, trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương đã tổ chức thống kê các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP là 229 sản phẩm. Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cấp tỉnh đã tổ chức họp rà soát hồ sơ, đánh giá 21 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả đánh giá, phân hạng trong năm 2020 có 5 sản phẩm đạt 5 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, công tác hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm OCOP, bảo đảm quy định theo Bộ tiêu chí OCOP tỉnh đang được các DN, tổ chức, cá nhân chú trọng thực hiện. Sở đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giúp DN, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh quảng bá, mở rộng sản xất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu trên website OCOP; tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các đơn vị xây dựng sản phẩm OCOP mang tính đặc thù riêng biệt của tỉnh, nhất là những sản phẩm có khả năng xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của chương trình sẽ có từ 20 sản phẩm trở lên đạt 5 sao, từ 50 sản phẩm đạt 4 sao và từ 100 sản phẩm đạt 3 sao. Đối với cấp Quốc gia, ngành phấn đấu có từ 10 sản phẩm trở lên đạt 5 sao, từ 50 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. “Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh, tăng cường công tác hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ giúp các đơn vị sản xuất hoàn thành các quy định theo Bộ tiêu chí OCOP của tỉnh. Những việc làm đó nhằm tạo cơ hội cho thêm nhiều sản phẩm OCOP tiếp tục được gắn sao, góp phần triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP”, ông Cường thông tin thêm.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU