.

Ngành nông nghiệp khan hiếm lao động

Cập nhật: 18:48, 31/03/2021 (GMT+7)

Ngoài sự biến động thất thường của thị trường, giá cả, ngành nông nghiệp (NN) tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn lao động ngày càng khan hiếm, giá thuê không ngừng tăng.

Không có đủ lao động ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng và thời gian thu hoạch hồ tiêu. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại vườn của gia đình ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức).
Không có đủ lao động ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng và thời gian thu hoạch hồ tiêu. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại vườn của gia đình ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức).

“ĐỎ MẮT” TÌM LAO ĐỘNG

Gia đình ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) có gần 1,2ha tiêu đang chín rộ, nhưng không kiếm được người hái. Những năm trước, vào mùa thu hoạch ông phải thuê hàng chục nhân công mỗi ngày, tập trung hái 10-15 ngày mới xong. Năm nay, ông chỉ thuê được 4 nhân công. Theo ông Phương, do không thu hoạch kịp, tiêu chín rụng khắp vườn, ước tính thất thoát khoảng 15%.

Nhân công khan hiếm khiến giá thuê cũng trở nên đắt đỏ. Tại các vườn tiêu, các hộ nông dân đang thuê nhân công thu hoạch với giá từ 230-250 ngàn đồng/người/ngày, chưa kể các chi phí khác, tăng 30-50 ngàn đồng/ngày so với năm ngoái. Ngoài ra, lực lượng lao động chủ yếu là người trung niên, còn người trẻ tuổi hầu như không có.

Ông Nguyễn Huỳnh Cao Tâm (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) phải thu hoạch muối một mình do không thuê được người.
Ông Nguyễn Huỳnh Cao Tâm (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) phải thu hoạch muối một mình do không thuê được người.

Ông Nguyễn Văn Hà (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết: “Khó kiếm lao động tại chỗ, để kịp thu hoạch khi 2ha tiêu đồng loạt chín rộ, tôi đã phải nhờ người quen thuê thêm 2 nhân công từ quê vào. Ngoài tiền thuê hái, tôi còn phải sắp xếp chỗ ở, chi phí ăn uống và đi lại cho họ nên chi phí đội thêm”.

Hiện đang là cao điểm vụ thu hoạch tiêu, điều. Nhiều nhà vườn do không thuê được nhân công nên phải chọn giải pháp mua bạt về trải khắp vườn để hứng tiêu rụng, hạn chế thất thoát.

Cũng đang khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động thu hoạch muối, ông Huỳnh Văn Thuyết (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cho hay, nhân công ngày càng khan hiếm, đặc biệt là với những ngành nghề đặc thù như nghề muối. Ông Thuyết phân tích, với lao động cào muối, không phải ai cũng làm được mà cần người có kinh nghiệm, nhưng số lao động đủ sức khỏe, có kinh nghiệm đều đi làm ở thành phố lớn hoặc các KCN. Theo tính toán của ông Thuyết, trước đây để thu hoạch 50 tấn muối, ông cần 50 lao động làm trong 1-2 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hiện nay, ông chỉ thuê được 20-30 lao động nên thời gian thu hoạch kéo dài 6-7 giờ, làm cho chi phí sản xuất tăng lên gấp đôi.

Trong khi đó, nhiều tàu chuyên đánh bắt hải sản tại các địa phương như Lộc An, TT. Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cũng phải nằm bờ do không kiếm được bạn ghe. Với những tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ cần ít nhất từ 10-12 lao động/chuyến. Song do khan hiếm bạn ghe nên hầu hết các tàu ra khơi đều không đủ số người. Theo lý giải của các chủ ghe, việc khan hiếm lao động đi biển là do tiền công được trả theo chuyến. Chuyến nào đánh bắt nhiều, tiền công cho bạn ghe sẽ cao, chuyến nào được ít thì tiền công cũng ít. Vài năm trở lại đây, việc đánh bắt ngày càng khó khăn, sản lượng tôm cá thấp, thu nhập không ổn định, công việc lại vất vả nên nhiều lao động không “mặn mà” với nghề đi biển.

LIÊN KẾT GIÚP NHAU

Theo ngành NN tỉnh, trước đây nguồn lao động trên địa bàn tỉnh khá dồi dào (luôn chiếm từ 50 đến 53% dân số). Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ lao động tại nông thôn ngày càng giảm, bình quân mỗi năm tỷ lệ này giảm gần 1%. Dự báo, đến năm 2025, lực lượng lao động hoạt động trong nền kinh tế trên địa bàn tỉnh có trên 477 ngàn người, trong đó khu vực NN chỉ khoảng 38%.

Ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) phân tích, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu lao động nông thôn nói chung và lao động trong ngành NN nói riêng là do việc phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh đã tạo ra nhiều việc làm. Nhiều lao động khu vực nông thôn đi làm tại các nhà máy, KCN hoặc tại các KDL, dịch vụ khác với công việc ổn định, có thu nhập cao hơn nên không còn quan tâm đến sản xuất NN như trước nữa. Bên cạnh đó, sản xuất NN mang tính mùa vụ và tiềm ẩn rủi ro, thị trường bấp bênh và thu nhập thấp nên khó cạnh tranh với các ngành nghề khác. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến lao động ngành NN không tập trung đầu tư sản xuất mà theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác.

Tiếp tục dạy nghề nông nghiệp
Do Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 đã kết thúc, nên Chi cục Phát triển nông thôn đang tham mưu Sở NN-PTNT phối hợp cùng Sở LĐTBXH trình UBND tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung đào tạo nghề kết hợp giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu học nghề của người dân với yêu cầu sử dụng lao động của các DN nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại...; đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất NN công nghệ cao đã, đang và sẽ hình thành trên địa bàn tỉnh; phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành NN và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo và tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển NN công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nghề về quản trị trang trại, DN, HTX và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; bảo đảm chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.


Việc thiếu hụt lao động gây nhiều khó khăn cho nông dân, đặc biệt là trong thời điểm thu hoạch mà còn gia tăng chi phí, giá trị sản phẩm bị giảm do thu hoạch không kịp thời vụ.

Trước thực trạng đó, ngành NN tỉnh đang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, triển khai các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất NN. Trong đó, khuyến khích đầu tư vào NN, sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích liên kết, sản xuất theo quy mô lớn... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất NN. “Bên cạnh đó, ngành NN cũng thúc đẩy các hình thức liên kết các hộ, trang trại trong sản xuất, dịch vụ như hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất, dịch vụ NN trong đó các thành viên của HTX có thể sử dụng công lao động của toàn bộ HTX. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để phù hợp với xu hướng lao động nông nghiệp đang giảm dần là yêu cầu cấp bách mà ngành NN đang triển khai thực hiện”, ông Cẩm thông tin thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Thuê lao động từ địa phương khác
Sau gần 4 năm liên tiếp lao dốc, lần đầu tiên giá hồ tiêu khởi sắc trở lại và đạt gần 80 ngàn đồng/kg. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hồ tiêu nói chung và người trồng tiêu ở BR-VT nói riêng, là cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá bị đẩy xuống thấp. Tuy nhiên, do đang vào mùa thu hoạch rộ, giá tiêu tăng cao nên nhu cầu sử dụng lao động hái tiêu hiện nay rất lớn. Bởi nếu không thu hoạch kịp thời, không những tiêu sẽ chín rụng, khó thu hoạch, tỷ lệ thất thu cao mà còn ảnh hưởng tới vụ sau.
Theo những người trồng tiêu lâu năm tại huyện Xuyên Mộc, do tiêu mất mùa, tỷ lệ đậu trái thấp nên việc thu hoạch cũng gặp khó khăn và mất thời gian hơn. Thông thường, mỗi nhân công chỉ hái được khoảng 10kg tiêu tươi/ngày. Với 1ha tiêu, nếu đủ 10 công/ngày, nông dân chỉ cần 15-20 ngày sẽ thu hoạch xong. Song do thiếu nhân công nên việc thu hoạch có thể kéo dài tới 2 tháng. Do khan hiếm nhân công nên các hộ trồng tiêu phải tận dụng nguồn nhân lực của gia đình. Việc kéo dài thời gian thu hoạch sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

 

Thu nhập bấp bênh nên lao động nghề biển ngày càng giảm. Trong ảnh: Ngư dân xã Lộc An vận chuyển thủy sản lên bờ sau chuyến ra khơi.
Thu nhập bấp bênh nên lao động nghề biển ngày càng giảm. Trong ảnh: Ngư dân xã Lộc An vận chuyển thủy sản lên bờ sau chuyến ra khơi.
Ông Trương Đức Hồng (huyện Châu Đức) cho biết, dù giá thuê nhân công hiện cao, dao động từ 230-270 ngàn đồng/người/ngày, chưa kể các chi phí khác, nhưng do giá hồ tiêu đang lên, ông cùng nhiều hộ phải tranh thủ thuê người hái để bán lúc được giá. Nhiều hộ trồng tiêu phải thuê lao động từ các tỉnh khác và để giữ chân những lao động này, họ buộc phải tăng tiền công và thêm nhiều chế độ ưu đãi khác.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 11 ngàn ha tiêu đang vào vụ thu hoạch (giảm gần 2.000ha so với năm 2019). Cách đây 5-6 năm, giá tiêu ở mức cao, người dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt tăng diện tích. Nhưng khi giá hồ tiêu xuống thấp vài năm trở lại đây, người dân không chú tâm chăm sóc. Nhiều diện tích đã được bà con chuyển đổi sang trồng thanh long, chuối, bưởi, mít, sầu riêng nên sản lượng tiêu vụ này giảm.
Ngoài làm gia vị, hạt tiêu được sử dụng nhiều để làm nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược… Do đó về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh đang từng bước xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến để phát triển bền vững loại cây trồng chủ lực này.
KIM HỒNG
.
.
.