Tăng độ bao phủ của hàng Việt
Thời gian qua, với việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay tỷ trọng hàng nội địa tại các kênh siêu thị đã đạt hơn 90%. Các sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng thiết yếu đang đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng.
Người dân chọn mua hải sản đông lạnh của Việt Nam đóng gói tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
HƠN 90% HÀNG VIỆT LÊN KỆ
Tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, các thương hiệu hàng hóa Việt đã có tiếng như Kinh Đô, Vissan, Bibica, Đồng Tiến; Kim Hằng, gạo ST25… được trưng bày theo từng nhóm ngành hàng, giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn. Chị Trần Thị Trang (nhà ở đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) vừa đẩy xe hàng đến quầy tính tiền Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, trước đây, chị thường chọn mua hàng hóa do nước ngoài sản xuất do tâm lý hàng ngoại chất lượng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, sau vài lần sử dụng sản phẩm do DN trong nước sản xuất như bánh kẹo của Kinh Đô, Bibica, hay sản phẩm chế biến sẵn như chả giò, xúc xích Vissan… chị đã chuyển sang dùng hàng trong nước. “Bây giờ gia đình tôi dùng nhiều sản phẩm do DN trong nước sản xuất vì chất lượng sản phẩm tốt, bao bì mẫu mã bắt mắt. Quan trọng hơn là chi phí bỏ ra để mua sản phẩm trong nước rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất”, chị Trang nói.
Theo ông La Trọng Nghĩa, Tổ trưởng Tổ marketting Co.op Mart Vũng Tàu, hiện nay, hơn 90% hàng hàng hóa bày bán tại siêu thị là hàng Việt Nam. Siêu thị đã liên kết với các nhà sản xuất uy tín trong nước cung cấp nguồn hàng bảo đảm chất lượng, đồng thời DN cũng phát triển nhãn hàng riêng Co.op để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Hàng năm, Co.op Mart còn tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, KCN, Côn Đảo theo các chương trình do Sở Công thương BR-VT tổ chức. Các chương trình này không chỉ giúp DN tăng doanh thu mà còn là cơ hội để đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tận tay người dân và tăng sự nhận diện thương hiệu của DN đến người dân.
Trong khi đó, theo đại diện Lotte Mart Vũng Tàu, dù là DN nước ngoài, nhưng tỷ lệ hàng Việt Nam trưng bày và bán tại siêu thị Lotte là hơn 85% với đầy đủ các ngành hàng từ tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, gia dụng. Từ năm 2016, DN cũng phát triển thêm dòng sản phẩm mang nhãn hàng riêng Choice L hợp tác giữa siêu thị và các DN sản xuất Việt Nam. Qua đó góp phần giúp hàng Việt tiếp cận được kênh phân phối hiện đại, khắc phục được hạn chế trong chuỗi sản xuất nội địa, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước cho thấy hàng Việt tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart đang chiếm từ 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 90%, BRG Retail 90% và hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh chiếm tới 95%...
Không những thế, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam chiếm từ 60% đến 96% như tại Lotte hàng Việt chiếm 82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng, Big C 96% theo doanh thu, AEON 80% theo mã hàng, MegaMarket 95% theo mã hàng.
Khách hàng chọn mua dầu gội Clear của Tập đoàn Unilever Việt Nam tại Co.op Mart Bà Rịa. |
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN HÀNG VIỆT
Theo đánh giá của Sở Công thương, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hàng Việt đã chiếm trên các kệ hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại chiếm từ 80% đến trên 90% và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống trên thị trường nội địa. Hàng Việt đã có độ phủ sóng lớn tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhiều khu vực và dần khẳng định được hình ảnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp. Đây cũng chính là động lực để các DN Việt đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng và xây dựng một mức giá cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu và rộng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để có được kết quả này, Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình như đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt ra Côn Đảo… Ngoài ra, điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt” đã giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm vì sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện như: Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Điền, Côn Đảo, TX. Phú Mỹ… Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tổ chức gian hàng chung giới thiệu - quảng bá sản phẩm của các HTX trong và ngoài tỉnh; nâng cao kiến thức thương mại và năng lực quản lý cho các cơ sở, HTX, DN hoạt động thương mại…
Để tăng thị phần hàng hóa Việt trong kênh phân phối, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Nhằm thực hiện hiệu quả đề án, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Công thương cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; tổ chức các hội chợ, thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… Đồng thời tiếp tục triển khai lập phương án phát triển hạ tầng thương mại; tăng cường công tác hỗ trợ DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối theo Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
------------
Đưa tỷ lệ hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối hiện đại lên trên 85%
Mục tiêu Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 đặt ra là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa,...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước. 100% các tỉnh, thành phố nhân rộng được mô hình điểm bán hàng Việt Nam; 100% bộ, ngành và địa phương xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của DN nhỏ và vừa, HTX, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước…
Người dân chọn mua dưa lê Việt Nam tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
Đề án vạch ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, DN Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu gồm: Giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU