Gỡ khó cho tàu dịch vụ hậu cần thủy sản
Ngày 29/3, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh nghe báo cáo khó khăn vướng mắc trong hoạt động của tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới, đưa vào hoạt động 9 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép. Hầu hết các tàu được lắp trang thiết bị hiện đại, chiều dài thân tàu từ 30-60m và máy chính có công suất lớn, từ 1.200CV-1.600CV, với tổng kinh phí 324 tỷ đồng. Trong đó, ngư dân vay các ngân hàng thương mại để đóng mới tàu là 298 tỷ đồng. Tàu dùng để chở nhiên liệu, nước đá bảo quản thủy sản, vật tư sửa chữa nhỏ, ngư cụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu… phục vụ cho tàu cá đang hoạt động xa bờ của tỉnh. Tuy nhiên, các tàu trên hiện đang phải nằm bờ, ngừng hoạt động do vướng các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Thủy sản năm 2017 và Thông tư số 47/2015/TT-BCT ngày 11/12/2015 của Bộ Công thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển.
Cụ thể, theo Thông tư 47/2015/TT-BCT điều kiện để các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu phải là DN hoặc đại lý, tổng đại lý bán lẻ xăng dầu; phải đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước đúng quy định. Trong khi đó, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh chỉ cập bến trong một thời gian nhất định để xếp dỡ hải sản và lấy nguyên, nhiên liệu, sau đó xuất bến, di chuyển thường xuyên, liên tục trên biển. Ngoài ra, Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tàu dịch vụ hậu cần thủy sản không có chức năng cung cấp, vận chuyển xăng dầu trên biển.
Trước thực trạng trên, ngày 19/6/2020 UBND tỉnh đã có văn bản số 6252/UBND-VP và văn bản 6253/UBND-VP kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh xăng dầu cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật; việc cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại quy định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ và Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ, trong đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước cần phải phù hợp các quy định của Bộ GT-VT.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ giao Sở NN-PTNT phối hợp cùng Sở Công thương, Sở Tư pháp rà soát các quy định của Nghị định 67 để tổng hợp, tham mưu và đưa ra các đề xuất cụ thể trình UBND tỉnh trước ngày 6/4 nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên.
PHÚC HIẾU