Trong bảng xếp hạng Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2021 vừa được Brand Finance công bố đầu tháng 2/2021, ngành ngân hàng Việt Nam là tiêu điểm khi giá trị thương hiệu tăng 23%, mức tăng cao nhất thế giới. Cả 9 ngân hàng Việt có tên trong danh sách này đều ghi nhận sự cải thiện về thứ hạng.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh BR-VT. |
Theo đánh giá của Brand Finance, với giá trị thương hiệu tăng 23%, ngành ngân hàng Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu theo năm lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong bảng xếp hạng. 9 ngân hàng Việt Nam có tên trong Top 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu năm 2021 gồm: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, VPbank, ACB, BIDV, Techcombank, MBbank và Sacombank.
Trong số các ngân hàng trên, Agribank được xếp đầu bảng, với hạng 173, tăng 17 bậc so với năm 2020. Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra.
Tại BR-VT, Agribank cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua. Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh BR-VT, trong quá trình hoạt động, Agribank BR-VT đã ưu tiên dành nguồn vốn lớn để đáp ứng nhanh nhất cho người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, nguồn vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ tại đơn vị. Đặc biệt, thủ tục, thời gian vay cũng được Agribank rút ngắn. Từ khi tiếp cận khoản vay đến khi được giải ngân, khách hàng chỉ phải chờ đợi trong 3 ngày, thậm chí có những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được Agribank giải ngân ngay trong ngày.
BIDV là 1 trong 9 ngân hàng có thứ hạng cải thiện tốt trong bảng xếp hạng, tăng từ vị trí 276 lên 246, tiếp tục được khẳng định là ngân hàng thương mại lớn có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%, trong đó dư nợ tín dụng hơn 1,23 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%, chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc BIDV Bà Rịa cho biết: Năm 2020, huy động vốn tại chi nhánh tiếp tục tăng cao với mức 10,8% so với năm trước, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức 16%. Trong giai đoạn 2018-2020, Chi nhánh đã cung ứng gần 21 ngàn tỷ đồng vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế, doanh số cho vay tăng trưởng bình quân 22,4%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao, Chi nhánh đã giải ngân hơn 550 tỷ đồng, qua đó giúp cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất - kinh doanh.
Thứ hạng của giá trị thương hiệu Vietcombank cũng được cải thiện rất tốt, xếp thứ 180, tăng 27 bậc; VietinBank xếp thứ 216, tăng 61 bậc. Các thứ hạng tiếp theo lần lượt là: VPBank (243), Techcombank (279), MBBank (374), Sacombank (392), và ACB (397).
Năm 2020 là một năm khó khăn với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trên toàn cầu do ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVID-19, ngân hàng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công trên mặt trận chống dịch COVID-19, phòng chống thiên tai cũng như giữ vững các cân đối vĩ mô, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Điều này đã giúp Việt Nam đi ngược lại xu hướng sụt giảm giá trị thương hiệu của ngành ngân hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, những cải cách nội bộ đã tăng cường trách nhiệm giải trình của ngành tài chính Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy không chỉ doanh thu mà còn cả uy tín và niềm tin vào thương hiệu. Theo đánh giá của Brand Finance, 5 năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu lũy kế đạt 753%, qua đó trở thành quốc gia đứng thứ 2 xét về tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu.
Brand Finance là công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới được thành lập năm 1996 tại Lon Don, Vương quốc Anh. Brand Finance đánh giá hơn 5.000 thương hiệu hàng đầu thế giới cùng việc công bố hơn 100 báo cáo hàng năm. Các thương hiệu được lựa chọn và đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí về thị phần, tốc độ tăng trưởng về quy mô tài sản, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cũng như uy tín thương hiệu trên truyền thông. |
Theo bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu ngân hàng, ngân hàng ICBC của Trung Quốc vẫn là ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới với 72,7 tỷ USD, dù giá trị thương hiệu giảm 10% so với năm trước. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng tiếp tục chiếm lĩnh top 4 trong bảng xếp hạng Brand Finance Bank 500. Tiếp theo là 5 ngân hàng của Mỹ, trong đó Bank of America giữ xếp hạng cao nhất với vị trí thứ 5, dù giá trị thương hiệu giảm 10%. Tiếp đến là Citi, Wells Fargo, Chase và JP Morgan. Trong đó, JP Morgan là ngân hàng duy nhất trong top 10 ghi nhận giá trị thương hiệu tăng 3% trong năm qua.
Bài, ảnh: PHAN HÀ