.

Hàng Tết dồi dào

Cập nhật: 20:32, 18/01/2021 (GMT+7)

Dịp Tết Tân Sửu, dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa trên địa bàn tỉnh sẽ tăng từ 5-10%. Để chủ động nguồn hàng phục vụ người dân sắm Tết, các đơn vị phân phối, các DN thương mại trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng.

Nhân viên Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu chuẩn bị hàng Tết phục vụ khách hàng.
Nhân viên Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu chuẩn bị hàng Tết phục vụ khách hàng.

HÀNG VIỆT CHIẾM ƯU THẾ

Ghi nhận tại các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh cho thấy, thời điểm này, hàng hóa phục vụ Tết thuộc các nhóm hàng như: may mặc, gia dụng, bánh kẹo, mứt Tết, thực phẩm, nước giải khát… đã đầy ắp các quầy kệ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trên các kệ hàng, hàng Việt Nam chiếm ưu thế với tỷ lệ 80-90%.

Ông La Trọng Nghĩa, Tổ trưởng Marketting Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Co.op Mart Vũng Tàu dự trữ 7.000 tấn hàng hóa. Dự kiến doanh thu tăng cao nhất ở nhóm thực phẩm tươi sống: rau củ quả, trái cây, các loại thịt và nước giải khát, bia. “Co.op Mart Vũng Tàu cũng tăng cường nhiều sản phẩm hàng nhãn riêng phục vụ cho mùa Tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món,... và một số mặt hàng đặc sản truyền thống khác”, ông Nghĩa cho hay.

Theo bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu, nguồn hàng cung ứng Tết của siêu thị tăng 12% so với dịp Tết Canh Tý, trong đó tập trung nhiều ở các mặt hàng bia, nước ngọt, bánh kẹo, trái cây, thịt… “Siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, đưa vào nhiều sản phẩm Tết là nhãn hàng riêng Choice L để người dân có nhiều lựa chọn khi mua sắm. Siêu thị thực hiện nghiêm ngặt khâu kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào và tăng số lần kiểm tra để bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng luôn tươi, mới, an toàn”, bà Tuyến nói.

Bên cạnh đó, nhiều DN như: Công ty Baseafood, Công ty TNHH Hoàng Dung, Công ty Lương thực Tâm Linh, HTX lương thực Thái Hùng, Cơ sở xay xát Tư Trúc Bà Rịa, các HTX, đại lý, các chợ huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phục vụ Tết nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

CÂN ĐỐI CUNG CẦU, GIÁ CẢ HÀNG HÓA

Đến thời điểm này, các địa phương đều có kế hoạch cụ thể về nguồn cung hàng hóa và cân đối cung cầu tại địa phương. Ông Huỳnh Sơn Thái, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, hầu hết các xã, thị trấn đều có vùng sản xuất lúa nên ít xảy ra khan hiếm gạo. Với nhóm thực phẩm, địa phương đã phối hợp với Sở Công thương giao cho các siêu thị lớn và TTTM trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường nhóm mặt hàng thực phẩm, không để xảy ra tình trạng sốt và khan hiếm hàng hóa.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân tiết giảm chi tiêu nên dự báo lượng hàng dự trữ trong dịp Tết Tân Sửu giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường Tết toàn tỉnh khoảng 755,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường trong tháng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng khoảng 5-10% so với các tháng trong năm. Giá cả hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu tăng từ 5-10% so cùng kỳ năm trước và tập trung vào tháng 12 âm lịch.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh gồm: gạo và lương thực khác 22.589 tấn; thịt các loại hơn 1.005 tấn; dầu ăn hơn 561 ngàn lít; tôm cá hơn 2.901 tấn; đường, mật, sữa, bánh, mứt, kẹo gần 310 tấn; nước mắm, nước chấm 24,8 ngàn lít; rau củ các loại hơn 10.772 tấn; rượu, bia gần 60 ngàn thùng; đồ uống khác hơn 26.462 thùng; thực phẩm chế biến (giò, chả, xúc xích, thịt hun khói…) 85,2 tấn; thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn hơn 1.231 tấn.
(Nguồn: Sở Công thương)

Hiện nay, nguồn cung ứng hàng hóa tập trung chủ yếu tại các DN phân phối lớn như siêu thị, TTTM, cửa hàng tự chọn và các chợ truyền thống. Các DN, cơ sở này đều đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, 70% mua từ các tỉnh miền Tây, Bình Thuận, 30% tự cân đối trong tỉnh; các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản các loại có 80% mua trong tỉnh, 20% mua từ các tỉnh khác; thực phẩm công nghiệp, đóng gói, chế biến sẵn chủ yếu mua từ các nhà máy lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương; rau, hoa quả các loại khoảng 40% tự cung ứng, 50% mua từ Đà Lạt và khoảng 10% mua từ miền Bắc (bắp cải, su hào...)...

“Bên cạnh kế hoạch chuẩn bị nguồn cung, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Sở cũng tập trung kiểm tra giá bán các mặt hàng thiết yếu, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Tân Sửu 2021”, ông Thôi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.