Doanh nghiệp mỏi mắt chờ container rỗng
Thiếu container rỗng vào dịp cao điểm cuối năm, khiến vận chuyển hàng hóa đình đốn, gây khó khăn cho các DN xuất khẩu.
Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng CMIT. |
Theo các DN kinh doanh cảng biển, hiện nay, container rỗng phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa qua đường hàng hải là tài sản của các hãng tàu. Do đó, việc phân bổ container hoàn toàn do hãng tàu quyết định. Thời gian qua, dịch Covid-19 gây xáo trộn ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu (thị trường lớn của xuất khẩu từ Việt Nam), nên ảnh hưởng đến quá trình quay vòng đối với container rỗng.
Đơn cử như nếu trước đây 1 container từ Việt Nam sang Mỹ sau đó sẽ quay về Việt Nam chỉ trong vòng 60 ngày, thì nay có thể kéo dài đến 4 tháng. Đại diện cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, thiếu container rỗng cục bộ là tình trạng chung của tất cả các hãng tàu. Điều này dẫn đến các DN muốn đóng hàng xuất khẩu phải chờ đợi rất lâu, hàng hóa xuất khẩu bị ngưng trệ. Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, 40% DN xuất khẩu đang gặp khó khăn về giao nhận container rỗng.
Bà Lê Thị Thúy Kiều, Trưởng Văn phòng Công ty TNHH Đại Không Gian (CCN Hắc Dịch 1, TX. Phú Mỹ) cho biết, những đơn hàng xuất khẩu vào thời điểm khó khăn như hiện nay, là rất quý giá với DN. Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, đơn hàng xuất khẩu thì kiếm được mà container để đóng hàng xuất đi lại mòn mỏi chờ. “DN còn khoảng 40 container hàng sang Hàn Quốc và một số nước khác nhưng hàng phải nằm chờ container”, bà Kiều thông tin thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây tàu ghé cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV), lượng container rỗng vốn đã không nhiều, thời gian này càng khó khăn nên những ngày qua, Vina T&T cũng phải chờ đợi để đóng hàng xuất khẩu. “Do container rỗng để xuất hàng đi Úc, châu Âu khó khăn, công ty phải linh động xuất hàng đi các thị trường khác hoặc đưa hàng hóa vào cấp đông để ứng phó”, ông Tùng cho biết.
Tại hội nghị tổng kết ngành da giày - túi xách năm 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2021 tổ chức ngày 12/1 vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, do dịch bệnh COVID-19, nhiều nước trên thế giới phải giãn cách xã hội và thiếu hụt nhân công nên việc xử lý hàng hóa tại các cảng đầu mối ở EU và Mỹ bị “tê liệt”. Điển hình như tại cảng Felixstowe của Anh, tàu đến đều phải chờ 2-3 tuần mới được cập cảng thay vì chỉ vài ngày như trước đây. Thậm chí, tại các cảng container dỡ ra rồi nhưng không có người đưa lên tàu để quay trở lại khu vực châu Á, gây ra tình trạng thiếu vỏ container.
Bà Đỗ Thị Thanh Xuân, đại diện Chi nhánh hãng tàu CMA CGM tại Việt Nam cho biết, việc thiếu container là tình trạng chung của các hãng tàu hiện nay. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nhu yếu phẩm của Mỹ và EU tăng cao trong đại dịch COVID-19 nên các loại hàng hóa xuất đi các thị trường này cũng tăng cao, gây thêm áp lực. Hiện hãng tàu CMA CGM đã tăng cường luân chuyển container rỗng về Việt Nam với lượng cung gấp 2-3 lần bình thường nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo dự báo của Bộ Công thương, tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container rỗng có thể kéo dài đến tháng 2-3/2021, thậm chí khi dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài hơn. Việc phong tỏa do dịch COVID-19 tại các nước dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực xử lý hàng hóa, do vậy container rỗng tồn đọng tại Bắc Mỹ và châu Âu trong khi lại thiếu hụt tại Trung Quốc và khu vực Đông Á, từ đó đẩy giá thuê container lên cao. Mặt khác, năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các DN Việt Nam còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu… Do đó các DN cần có phương án ứng phó bằng cách trao đổi với khách hàng về việc giãn tiến độ giao hàng hoặc sử dụng các phương tiện khác thay thế.
Cùng với việc thiếu container, thời điểm này, các hãng tàu còn tăng phụ phí xuất khẩu từ 50-200 USD/container; tăng phụ phí mùa cao điểm từ 150-450 USD/container. Theo phản ánh từ các DN xuất khẩu, đầu năm 2020, xuất khẩu hàng đi Mỹ, châu Âu chi phí vận chuyển cho hãng tàu chỉ mất từ 1.800 đến 2.200 USD/container 40 feet. Tuy nhiên hiện nay, các hãng tàu đồng loạt tăng lên 6.300 USD/container 40 feet đi Mỹ, 8.000 USD/container đi châu Âu. Phí vận chuyển đi Anh tăng từ 1.540 USD/container lên 7.200 USD/container.
Trước những động thái bất lợi cho các DN xuất khẩu, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã gửi công văn đề nghị các hãng tàu hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam tại công văn đã ban hành cuối tháng 11/2020 về việc thực hiện niêm yết giá theo nghị định 146/2016/NĐ-CP (quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển).
Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển gửi về Cục Hàng hải Việt Nam; đề nghị các hãng tàu có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN