Sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQVN và các ban, bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị.
KINH TẾ DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2020, dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái. Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế; an sinh xã hội được bảo đảm, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng, công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cán bộ, công chức và nhân dân. “Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nêu rõ: Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng kể từ Đại suy thoái 1929-1933, nhưng kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương với mức gần 3%. “Tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa vì phía sau đó là những nỗ lực bền bỉ của những ngày lao động cần cù, vất vả của người dân, DN và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, GDP không tính đến tuổi thọ và sức khỏe của người dân, không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, không đong đếm được tình người trong bão lũ ở miền Trung, đại dịch COVID-19 vừa qua và không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ ta”, Thủ tướng nói.
Công nghiệp là một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh BR-VT. Trong ảnh: Thép thành phẩm tại Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam (TX. Phú Mỹ) được đưa đi tiêu thụ. |
Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, có 12 chỉ tiêu chính đặt ra cho năm 2021. Trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ BHYT khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%... “Nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề. Các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021…”.
BR-VT TIẾP TỤC MÔ HÌNH KINH TẾ BỀN VỮNG
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương thống nhất cao với nội dung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2020; những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Báo cáo gửi đến hội nghị của tỉnh BR-VT khẳng định, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động: giá dầu thô giảm mạnh; sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19… Trong bối cảnh đó, tỉnh đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN, thúc đẩy phát triển 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột có tiềm năng, lợi thế của tỉnh gồm: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống, thu nhập của người dân.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không tính dầu thô và khí đốt bình quân trong 5 năm qua là 6,16%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt ước tăng 8,47%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển trong 5 năm khoảng 232.891 tỷ đồng, tăng 7,64%/năm. Tổng thu ngân sách trong 5 năm khoảng 384.039 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô 136.638 tỷ đồng, giảm 12,34%/năm; thu thuế xuất nhập khẩu 89.760 tỷ đồng, giảm 1,54%/năm so với Nghị quyết. Nhưng điểm đáng phấn khởi là thu nội địa của tỉnh trong 5 năm qua đạt 157.641 tỷ đồng, tăng 7,06%/năm.
Năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, BR-VT tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; chỉ đạo tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các hoạt động chào mừng 30 năm thành lập tỉnh.
Quan điểm, định hướng lớn phát triển của tỉnh trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, HTX; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiên trì thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển công nghiệp theo chiều sâu và trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, định hướng của tỉnh vẫn là phát triển nhanh và bền vững các ngành; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống người dân…
Năm năm tới, tỉnh BR-VT tiếp tục định hướng phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ - MINH THIÊN