CÁC DN BÁN LẺ HIỆN ĐẠI: Tái cấu trúc trước áp lực cạnh tranh
Số lượng cửa hàng bán lẻ tiện lợi của một số DN đang có nhiều biến động trong thời gian qua. Đây là giai đoạn mà các DN bán lẻ trong nước đang từng bước tái cấu trúc.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu. |
VINMART ĐÓNG CỬA NHIỀU CỬA HÀNG
Gần 1 tháng qua, người tiêu dùng khá ngạc nhiên khi cửa hàng VinMart+ tại 329, Trương Công Định, TP. Vũng Tàu đóng cửa. Đây cũng là 1 trong 434 cửa hàng VinMart, VinMart+ trên cả trước dừng hoạt động từ đầu năm 2020. Từ khi tiếp quản hệ thống bán lẻ của Vingroup, Tập đoàn Masan đang quyết liệt đóng cửa những cửa hàng có hiệu quả kinh doanh thấp hơn yêu cầu. Mục tiêu của Masan không gì khác ngoài việc giảm lỗ, tiến gần đến điểm hòa vốn hơn. Hơn 80% số cửa hàng VinMart+ đóng cửa nằm ở TP.Hồ Chí Minh và các thành phố cấp 2. Đây là những điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn.
Riêng tại BR-VT, đến nay chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại VinMart+ đã giảm từ 45 cửa hàng xuống còn 31 cửa hàng. Theo ông Phạm Duy Thiên, quản lý chuỗi cửa hàng VinMart+ tại BR-VT, việc đóng cửa một số cửa hàng tại BR-VT nằm trong kế hoạch thay đổi cơ cấu của Tập đoàn. Những cửa hàng đóng cửa có doanh thu thấp, vì vậy, việc đóng cửa là cần thiết nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, qua đó giúp DN tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mặc dù số lượng cửa hàng giảm nhưng thay vào đó, DN đã đa dạng hóa nguồn hàng, siết chặt việc quản lý chất lượng để phục vụ tốt hơn.
Trước khi về tay Tập đoàn Masan, chuỗi bán lẻ hiện đại của VinGroup có 131 siêu thị VinMart và gần 2.900 cửa hàng tiện lợi VinMart trên cả nước, chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại trên toàn quốc. Cuối tháng 12/2019, Tập đoàn Masan đã chính thức điều hành hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+. Sau 1 năm tiếp quản, Tập đoàn Masan đã thay đổi chiến lược kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tính đến cuối quý III/2020, toàn hệ thống có 122 siêu thị VinMart và 2.524 siêu thị mini VinMart+. Cùng với đó, tăng tỷ trọng hàng tươi sống, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phục vụ nhiều hơn nhu cầu của khách hàng tại một điểm bán.
Nhân viên cửa hàng VinMart+ sắp xếp hàng hóa lên kệ. |
ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC KINH DOANH
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Asia Plus, năm 2020, số lượng từng loại hình bán lẻ tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt so với năm trước đó. Số lượng siêu thị giảm 12%, trong khi các mô hình bán lẻ nhỏ hơn như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini lại tăng mạnh 60%, cho thấy lợi thế phát triển của các mô hình mặt bằng nhỏ, tiết kiệm chi phí, dễ phủ rộng nhanh chóng. Đơn cử như chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của Tập đoàn Thế giới di động, đến nay tại BR-VT đã có 48 cửa hàng, “phủ sóng” từ thành phố đến khu vực nông thôn. Nửa đầu năm nay, Bách Hóa Xanh đã bắt tay chuyển đổi một số cửa hàng từ mô hình cũ sang kiểu mới, theo thiết kế “mở” nhằm thúc đẩy tăng doanh số. Theo ông Trần Kinh Doanh - Giám đốc điều hành Thế Giới Di Động, với mô hình “mở” này, siêu thị được thiết kế rộng hơn với quy mô 450-500m2. Trong đó, quầy rau, củ quả và gạo được thiết kế phía trước siêu thị. Toàn bộ sản phẩm được trưng bày như tại các chợ truyền thống và người tiêu dùng có thể ghé xe vào mua khá tiện lợi. Mỗi cửa hàng mới này hiện phục vụ 1.300-1.400 khách một ngày. Doanh thu dao động 3-4 tỷ đồng/tháng cho một cửa hàng “mở”. Đây cũng là mô hình có quy mô lớn hơn so với trước và được kỳ vọng đạt doanh thu 5 tỷ đồng mỗi tháng một cửa hàng thay vì 2-3 tỷ đồng như trước đây. Tổng doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh năm nay dự kiến sẽ đạt 22.000-23.000 tỷ đồng và có khả năng vượt chuỗi Thế Giới Di Động, đồng thời được kỳ vọng hết 2021 sẽ vượt cả chuỗi Điện máy.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên sau khi nhận chuyển nhượng từ VinGroup. Đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành Tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu. Thời gian tới, hãng sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart+, vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt và được kỳ vọng sẽ là tương lai của thương mại hiện đại tại Việt Nam. Cụ thể, hệ thống siêu thị sẽ được Masan cải tổ và số hóa, trong đó hàng tồn kho sẽ được quản lý theo thời gian thực, áp dụng công nghệ trong trải nghiệm mua hàng như Scan&go, kết hợp mô hình O2O Retail (online to offline).
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU