Nhiều bất cập trong quản lý tàu cá
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 với nhiều điểm mới, được đánh giá là bước chuyển hướng ngư dân đánh bắt có trách nhiệm, nhằm phát triển bền vững nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, áp dụng Luật vào thực tiễn đã làm nảy sinh không ít bất cập liên quan đến việc chuyển đổi phương thức quản lý, điều kiện quy định tàu khi ra khơi, hạn ngạch khai thác…
Dù có công suất 300CV, tuy nhiên do chiều dài chưa đủ 15m, tàu của ông Nguyễn Thanh Hoàng (ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) không thể ra đánh bắt vùng khơi như trước đây. |
NHIỀU VƯỚNG MẮC
Ông Nguyễn Bi, Trưởng phòng Quản lý Khai thác và Phát triển nguyên liệu thủy sản, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) phân tích: Việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (m) và cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều ngư dân có tàu cá công suất 90CV (trước đây là tàu khai thác xa bờ), nay do có chiều dài dưới 15m, nên không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi. Thậm chí, có tàu công suất trên 300CV làm nghề lưới vây, rê, chụp mực… nhưng vì chiều dài dưới 15m không được cấp phép vùng khơi, phải vào vùng lộng, không đúng luồng. Trong khi đó, tàu công suất chỉ 30-50CV, nhưng chiều dài trên 15m, trước đây chỉ đánh bắt vùng lộng và ven bờ lại buộc phải ra khơi. Đối với loại tàu này, việc ra khơi không bảo đảm an toàn và không có nghề khai thác phù hợp.
Ngư dân Nguyễn Thanh Bình, ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết: 5 tàu cá của gia đình ông đều có công suất trên 200CV. Trung bình mỗi năm ra khơi 9-10 chuyến, lợi nhuận thu về khoảng 250 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản 2017, tàu dưới 15m không được phép hoạt động vùng khơi. Với quy định này, ông Bình có 3 tàu không được phép ra khơi do chiều dài dưới 15m. “Với những tàu không đúng theo quy định, muốn ra khơi đánh bắt theo luật mới thì phải cải hoán, nâng cấp chiều dài, rất phức tạp và tốn kém, ngư dân chúng tôi khó lòng thực hiện”, ông Bình cho hay.
Khó khăn không chỉ nằm ở đó, ông Nguyễn Thanh Hoàng, ngư dân ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ thông tin thêm, mấy chục năm nay, ông làm nghề đánh bắt thủy sản vùng khơi. Sau khi đánh bắt về, thuyền được cập bến tại Cảng HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Lộc An. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản 2017, tàu cá khi cập bến phải có giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản của cảng cá loại III mới được tiếp tục ra khơi. Trong khi đó, Cảng HTX dịch vụ khai thác thủy sản Lộc An chưa được công bố đủ tiêu chuẩn cảng loại III. Do vậy, ông Hoàng và nhiều ngư dân tại đây sau khi đánh bắt về phải cập cảng Lộc An, cách đó 1,5km, gây nhiều khó khăn.
GỠ KHÓ CHO NGƯ DÂN
Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân khi thực hiện Luật Thủy sản 2017, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến Luật Thủy sản 2017; nhất là những bất cập liên quan đến việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất sang chiều dài; cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá; quy định cảng cá đủ tiêu chuẩn; quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển... để tham mưu tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời điều chỉnh phù hợp, giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.
Luật Thủy sản 2017 ra đời là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm”, góp phần khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, theo quy định (IUU). Do vậy, việc sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng Luật vào thực tế sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản, bảo đảm phát triển nghề cá hiệu quả, an toàn, bền vững.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU