Tập trung cải cách kiểm tra hàng hóa nhập khẩu
Đối với Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ cải cách rất triệt để, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng. Đề án sẽ là bước cải cách, tạo sự thông thoáng, minh bạch, cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh như trên khi chủ trì cuộc họp sáng 13/10 với các bộ, cơ quan liên quan về Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” theo Tờ trình của Bộ Tài chính.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, từ đầu nghiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, đây là con số rất lớn và để có kết quả này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao sự quyết tâm của các bộ, cơ quan trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay, còn 1.501 danh mục dòng hàng đang còn chồng chéo và đang được các bộ, cơ quan đang tiếp thục chỉ đạo cải cách.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, dù đã nỗ lực cải cách nhưng thủ tục nhập khẩu hàng hóa vẫn còn rào cản để gia nhập thị trường; làm tăng chi phí, thời gian, tốn kém cho xã hội.
Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
“Nếu làm tốt Đề án thì cải cách rất triệt để, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh về tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng về cải cách để tạo dư địa tăng trưởng, xây dựng môi trường cạnh tranh của Việt Nam.
GIA HUY