.

Người trồng rau gặp khó do mưa lớn kéo dài

Cập nhật: 20:14, 12/10/2020 (GMT+7)

Mưa lớn liên tiếp trong hơn 1 tuần qua khiến nhiều diện tích rau xanh dập nát, thối rễ, năng suất giảm, nhất là đối với các loại rau ăn lá như rau cải, dền, mồng tơi...

Vườn rau của ông Trần Công Khanh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ năng suất giảm ½ so với mùa khô.
Ông Trần Công Khanh (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) dặm thêm rau tại vườn do mưa lớn làm chết rau.

Thời gian gần đây nhiều trận mưa lớn, gây ngập 1-2 ngày khiến vườn rau bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Trần Công Khanh (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) có 4.000m2 đất trồng rau ăn lá các loại: cải ngọt, cải xanh, rau dền, xà lách và các loại rau thơm. Có đến 50% diện tích rau của gia đình ông bị ngập úng và dập nát. Ngoài việc phải gieo đi gieo lại do hạt không nảy mầm được, mưa lớn còn khiến rau bị dập nát và sâu bệnh. Vì vậy, năng suất, chất lượng rau sụt giảm hơn các vụ khác.

Theo ông Khanh, mặc dù đã đầu tư làm hệ thống thoát nước chạy dọc theo ruộng, song mưa to khiến nước thoát không kịp, hạt giống rau nảy mầm kém, cây bị úng, thối rễ. Các luống rau đang trong quá trình phát triển, đất ẩm ướt đã khiến năng suất giảm 10-20%, còn những luống ngập nước mức độ thiệt hại lên tới 50-60%. “Với 4.000m2 trồng rau, thông thường tôi thu hoạch 700kg/vụ thì hiện chỉ thu về 300kg, vì vậy thu nhập của gia đình giảm mạnh, hầu như không có lãi”, ông Khanh cho biết.

Tại huyện Long Điền, hơn 3 tháng nay, vườn rau hơn 1.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc, ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng đành phải bỏ hoang. Thông thường, các loại rau gia vị, cải thìa, cải ngọt, hành lá, rau dền… nếu đất quá ẩm ướt sẽ bị thối hạt, không nảy mầm. Theo ông Bắc, dù đã thử trồng nhiều lần, song vẫn không khả quan. Thời tiết thay đổi thất thường nên cứ làm đi, làm lại, tốn kém rất nhiều lần tiền giống, phân bón, công cày xới đất…

Xã Phước Hưng hiện có khoảng 36ha trồng rau, trong số này có tới 2/3 diện tích cứ vào mùa mưa phải bỏ hoang. Để giải quyết tình trạng ngập úng, hiện một vài hộ tại địa phương đã chọn phương pháp đổ thêm đất để tăng độ cao cho luống rau, đồng thời làm nhà lưới để bảo vệ rau. Tuy nhiên, giải pháp này không phải hộ nào cũng thực hiện được vì phí đầu tư khá lớn. Trung bình 1.000m2 diện tích đổ đất cao lên khoảng 50cm sẽ phải đầu tư khoảng 200 triệu đồng, chưa kể việc lắp đặt nhà màng.

Vụ rau này, toàn tỉnh trồng 1.500ha, giảm gần 400ha so với mùa khô. Rau trồng trong mùa mưa chủ yếu là ở các vùng chuyên canh nên chủng loại rau không đa dạng, chủ yếu là các loại cải, muống. Năng suất giảm mạnh, nguồn cung cho thị trường cũng giảm theo khiến giá rau xanh trên thị trường đã tăng từ 20% đến 30% so với thời điểm khác trong năm.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để cây rau phát triển tốt trong mùa mưa, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như việc sản xuất rau an toàn, sử dụng đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Đồng thời, nông dân cần ứng dụng giải pháp công nghệ mới như trồng rau trong nhà kính... để có thể giảm bớt rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.