.

Sáng tạo, vượt khó - Đòn bẩy giúp DN phát triển bền vững

Cập nhật: 21:22, 12/10/2020 (GMT+7)

Việc thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh hay tìm hướng mới ở những thị trường khác được xem là sự sáng tạo, vượt khó của các DN trong giai đoạn hiện nay, đây cũng là đòn bẩy giúp cộng đồng DN phát triển bền vững.

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH Mei Sheng Textile Việt Nam. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH Mei Sheng Textile Việt Nam. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

THỊ TRƯỜNG, SẢN PHẨM PHONG PHÚ, ĐA DẠNG

Hơn 1 tháng qua, 1.900 công nhân của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (CCN Ngãi Giao, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) thay nhau làm việc 3 ca để kịp cho đơn hàng hơn 2 ngàn tấn sản phẩm các loại, trị giá hơn 3,4 triệu USD sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm nay. Bà Susanna Wong, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cho biết: Ngoài hợp đồng trên, Mei Sheng Textiles cũng đang rốt ráo sản xuất để kịp các hợp đồng cho các thị trường khác như Singapore, Chile, Malaysia, Mỹ, Anh…

Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam cũng là DN vừa được Bộ Công thương xét chọn, công nhận là “DN xuất khẩu uy tín” năm 2019. Hiện các sản phẩm sợi, vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt của công ty đã xuất khẩu đi các nước: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Australia, Campuchia… Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng DN đã chủ động nắm bắt thị trường, nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng chung biến nguy nan thành cơ hội. Nhờ đó, công ty đã có đơn hàng để sản xuất đến tháng 2/2021. 

“Để sản phẩm được thị trường chấp nhận, chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu cùng giá hợp lý, mẫu mã phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đã có hiệu lực là cơ hội để DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Để đạt được điều này, chúng tôi chú trọng đầu tư, nâng cấp công nghệ, tự động hệ thống máy móc, thiết bị trọng yếu ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đồng thời huấn luyện kỹ năng, thao tác cho người lao động trong những khâu không thể tự động hóa”, bà Susanna cho biết thêm.

Là DN tiêu biểu trong ngành xây dựng, trong 30 năm hoạt động và phát triển, các dự án của Tập đoàn DIC đã và đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như: khu đô thị DIC Chí Linh City (bao gồm cụm chung cư Seaview, Lakeside, Phoenix, Gateway); tổ hợp khách sạn 5 sao và Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc tế Pullman Vũng Tàu, cao ốc Thủy Tiên, DIC Star Apart’ Hotel Landmark Vũng Tàu, khách sạn DIC Star Hotels & Resorts Vũng Tàu, Cap Saint Jacques Tower… Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng Giám đốc Tập đoàn DIC cho biết: Để phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thời gian tới, Tập đoàn DIC sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển bất động sản (BĐS) với 2 dòng sản phẩm chủ lực: BĐS nhà đất, bao gồm khu đô thị, nhà ở, chung cư, biệt thự và BĐS nghỉ dưỡng như khách sạn, resort, golf, khu vui chơi giải trí; KDL sinh thái.

Trong năm 2021, Tập đoàn dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng cho các dự án BĐS, trong đó khoảng 5.000 tỷ đồng vào các dự án BĐS nhà đất, 2.000 tỷ đồng cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng; khoảng 300 - 400 tỷ đồng/năm cho các lĩnh vực kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Tập đoàn DIC cũng sẽ tham gia đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với các DN nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hậu cần sau cảng, các dự án giao thông, điện khí.

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG

Toàn tỉnh hiện có 10.761 DN đang hoạt động. Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, thời gian qua, đội ngũ DN trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh có thêm 1.293 DN thành lập mới, tăng 19,61% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đăng ký hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 33,07 so với cùng kỳ. Có thêm 297 DN tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh, với tổng số vốn tăng thêm 8.144 tỷ đồng.  

Phấn đấu có ít nhất 25.000 DN vào năm 2025 và 35.000 DN vào năm 2030 còn đăng ký hoạt động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hẹp khoảng cách về công nghệ… là mục tiêu mà UBND tỉnh đặt ra trong kế hoạch phát triển DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Kế hoạch đã đề ra mục tiêu cụ thể như phát huy tối đa nguồn lực để DN khu vực kinh tế tư nhân phát triển ổn định, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển. Hầu hết các sở, ngành đều thành lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến để hướng dẫn, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho DN. Về phía lãnh đạo tỉnh đã tăng cường đối thoại, gặp gỡ DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó có hướng giải quyết kịp thời.

Đóng gói sản phẩm sợi tại Công ty TNHH Mei Sheng Textile Việt Nam.
Đóng gói sản phẩm sợi tại Công ty TNHH Mei Sheng Textile Việt Nam.

Trong lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, Cục Thuế đã chú trọng công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hỗ trợ DN khởi nghiệp; thông báo trực tiếp đến DN bằng email, bằng văn bản, đăng tải các văn bản, hướng dẫn về chính sách thuế mới trên trang thông tin điện tử ngành thuế; giải đáp nhanh chóng, kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, giúp người nộp thuế giảm thiểu được những sai sót, góp phần tiết kiệm thời gian và công sức. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt. Tính đến giữa tháng 9/2020, đã có 97,2% DN thực hiện kê khai điện tử, 99,1% DN nộp thuế điện tử; 100% DN xuất khẩu và dự án đầu tư thực hiện hoàn thuế điện tử.

Ngành hải quan cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa DN, tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan, thực hiện thông quan hàng hóa tự động VNACCS tại các chi cục... Hiện thời gian thông quan tờ khai luồng xanh chỉ còn từ 1-3 giây. Một số trường hợp do tờ khai nhiều mặt hàng, hệ thống phải kiểm tra một số tiêu chí riêng thì thời gian tối đa là 3 phút; đối với hồ sơ hệ thống phân luồng “vàng” hoặc “đỏ”, việc kiểm tra hồ sơ giấy khi bộ hồ sơ đầy đủ từ khoảng 10 phút đến 2 giờ…

Cùng với đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các DN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội. Giai đoạn 2019-2020, 55 DN đăng ký ủng hộ chương trình an sinh xã hội của tỉnh với số tiền hơn 48 tỷ đồng. Từ những đóng góp này, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa được 205 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo và một phần số tiền đóng góp của DN được dùng để đưa nước sạch về phục vụ sinh hoạt cho những hộ dân sống ở xa khu tập trung dân cư, chưa có nước sạch sinh hoạt. Có thể kể đến các DN tiêu biểu như:  Công ty CP cấp nước BR-VT; Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; Tập đoàn DIC; Tập đoàn SCG; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh; BOT Phú Mỹ 3, Công ty TNHH Posco Việt Nam; Công ty CP Phát triển nhà BR-VT…

Về phía ngân hàng tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách, giải pháp tiền tệ tín dụng và “chương trình kết nối ngân hàng” nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết: Tính đến đầu tháng 9/2020, tổng số tiền cam kết cho vay phát sinh từ đầu chương trình là 11.123 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 1.050 tỷ đồng (lũy kế từ đầu chương trình đạt 14.100 tỷ đồng) với 45 DN vay vốn, dư nợ đạt 5.700 tỷ đồng (18 DN còn dư nợ).

PHAN HÀ- ĐÔNG HIẾU

.
.
.