.

Ai xả rác nhiều hơn sẽ phải trả tiền nhiều hơn

Cập nhật: 17:04, 25/10/2020 (GMT+7)

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi đang trình Quốc hội đặt vấn đề phí thu gom và xử lý rác sẽ không đổ đồng như hiện nay, thay vào đó sẽ tính toán cụ thể hơn dựa trên khối lượng thực tế sử dụng. Đề xuất này của Bộ TN-MT được nhiều người dân quan tâm. 

Nhân chuyến công tác tại BR-VT, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã dành cho Báo BR-VT cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Theo Luật BVMT sửa đổi, ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Ông Võ Tuấn Nhân: Luật BVMT năm 2014 đã có tiến bộ lớn và đóng góp lớn xây dựng hành lang pháp lý BVMT tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển mạnh của công nghiệp hóa- đô thị hóa và nhiều chủ trương chính sách nên Quốc hội đã chủ trương xây dựng Luật BVMT một cách toàn diện. Luật này đã được Chính phủ giao cho Bộ TN-MT chủ trì và đã xây dựng, lấy ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và đang lấy ý kiến của các đoàn Đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện và thông qua tại Kỳ họp tháng 11 tới. 

Theo đó, Luật BVMT tới đây có bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung trong đó có đề xuất người nào xả rác nhiều thì phải trả chi phí nhiều để xử lý môi trường; người nào xả ít thì phải chịu chi phí ít để bảo đảm công bằng trong việc xả thải và xử lý chất thải. 

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước cũng như các mô hình hoạt động tại Việt Nam trong thời gian quan, Bộ TN-MT nhận thấy rằng không thể thu tiền xử lý rác của mỗi gia đình đều cào bằng như nhau, nhà 1 nhân khẩu cũng như nhà 5-10 nhân khẩu. Như vậy là không công bằng. Do đó, trong dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó, người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại. Cách làm này nhằm hướng đến sự công bằng và thể hiện rõ nguyên tắc, người nào xả rác ra môi trường thì phải trả phí cho môi trường, đồng thời cũng khuyến khích người dân tái chế, tái sử dụng, không xả rác ra môi trường nhiều. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít người có thói quen vứt rác bừa bãi; nhiều tỉnh, thành trong đó có BR-VT chưa có các nhà máy xử lý chất thải rắn cuối nguồn sau khi phân loại. Đây là rào cản mà dự thảo Luật BVMT sửa đổi tính tiền rác theo số kg thải ra và phân loại rác tại nguồn như Thứ trưởng nói ở trên liệu có khả thi?

- Câu chuyện thu phí rác thải theo khối lượng được nêu ra, nhiều người chưa tin lắm vào tính khả thi. Bởi họ còn băn khoăn, rằng có thể nước ngoài làm được, nhưng với điều kiện xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn như ở Việt Nam thì rất khó. Khó từ việc thực thi thu phí rác cho đến việc giám sát người dân phân loại rác. Thậm chí, cũng cần đề phòng người dân sẽ “lách luật” để giảm chi phí bằng cách… bỏ rác trộm. Tuy nhiên, về lâu dài, thì đây là việc làm cần thiết, cần phải hành động quyết liệt để xử lý vấn đề rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Không có cách nào khác, chỉ có thể thực hiện bằng sự đồng bộ, từ việc truyền thông nâng cao ý thức người dân cho tới các địa phương đầu tư xử lý rác thải. Đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. Nếu người dân ủng hộ thì sẽ thành công. Nhà nước bảo đảm các điều kiện để làm sao từ khi người dân phân loại thì có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này và người dân cũng được thụ hưởng qua việc phân loại đó. Các địa phương cũng phải đầu tư hạ tầng, nhà máy xử lý rác ngay để bảo đảm tính đồng bộ từ quá trình vận chuyển, đến xử lý đầu cuối.

Quan trọng nữa là việc, tính tiền xử lý rác theo khối lượng còn nhằm thay đổi hành vi xả thải của người dân, DN. Nếu Luật BVMT sửa đổi được áp dụng thì sẽ góp phần thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh hướng tới sản xuất xanh, sạch và hạn chế chất thải, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Bên cạnh đó, việc này còn nhằm tăng thu ngân sách. 

Vậy vai trò của UBND cấp tỉnh đối với việc triển khai Luật BVMT sử đổi như thế nào thưa Thứ trưởng?

- Luật BVMT đã quy định rõ và phân công trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương. Trong đó lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh từ việc quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu gom, vận chuyển và đến xử lý đầu cuối. Khuyến khích công nghệ hiện đại trong xử lý rác. Những địa phương làm tốt có thể sử dụng rác sinh hoạt và rác công nghiệp thành nguồn cung năng lượng cho ngành điện lực; làm phân vi sinh chất lượng; giảm tối đa việc chôn lấp.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

QUANG VŨ 

(Thực hiện)

 
.
.
.