Khó nhất là "bài toán" tiêu chuẩn
Sau gần 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, mặt hàng xuất khẩu thủy sản của BR-VT đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật dựng lên ngày một khắt khe hơn đối với lĩnh vực này.
Ngoài các DN chế biến, một số cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng và năng suất nuôi theo hướng vi sinh. Trong ảnh: Nuôi tôm công nghệ cao tại cơ sở nuôi tôm Liên Giang (huyện Long Điền). |
NỖ LỰC ĐÁP ỨNG CÁC TIÊU CHUẨN
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (BASEAFOOD) cho biết, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào các nước, nhất là EU phải bảo đảm các tiêu chuẩn của khách hàng như HACCP, ISO, ASC… Hiệp định EVFTA được thực thi cộng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo sự cộng hưởng theo chiều hướng thuận lợi cho các DN xuất khẩu. Bởi ngay khi Hiệp định được thực thi, thuế suất của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU sẽ về 0%, qua đó giúp DN giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
“Từ năm 2019, DN đã đầu tư thêm kho lạnh, máy móc, thiết bị để dự trữ nguồn nguyên liệu, gia tăng sản xuất các sản phẩm tinh chế để tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN cũng phải đổi mới công nghệ, đổi mới công tác quản lý và tuân thủ những quy định trong hợp đồng với các đối tác nước ngoài để tăng sức mua từ khách hàng EU”, ông Huỳnh Minh Tường nói.
Còn Công ty CP sản xuất và thương mại Thuận Huệ (TP.Vũng Tàu), ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã có chứng nhận chất lượng của EU cho các sản phẩm thủy sản. Bà Đồng Thị Huệ chia sẻ, ý thức được yêu cầu khắt khe của thị trường, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín đạt tiêu chuẩn HACCP của EU từ khâu thu mua, chế biến, đóng gói sản phẩm. Nhà máy sản xuất cũng đạt tiêu chuẩn và được cấp CODE xuất đi châu Âu, châu Á.
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU, các DN thủy sản đã chủ động đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Sản xuất hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. Ảnh: SONG BÌNH |
Không riêng các DN chế biến thủy sản, một số cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng đã dần chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn, nhất là hướng đến các tiêu chuẩn EU. Chẳng hạn để xuất khẩu tôm vào thị trường EU phải bảo đảm chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Đây là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt áp dụng cho nuôi trồng thủy sản bền vững. Theo ASC, chất lượng nguyên liệu ra thị trường không nhiễm kháng sinh, hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất xứ phải làm bài bản, ghi chép rõ ràng.
NHIỀU RÀO CẢN CẦN THÁO GỠ
EU là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2015-2019), chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030. Tuy nhiên, nhiều khó khăn cả ngắn và dài hạn, cùng hàng rào phi thuế quan từ EU là những thách thức rất lớn.
Đối với BR-VT, sản lượng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường EU chủ yếu chỉ là các sản phẩm thô, chỉ khoảng 10% là sản phẩm tinh chế và tập trung ở các DN chế biến lớn như Baseafood, Tứ Hải, Thuận Huệ... Điều này cũng khiến cho hàng thủy sản của tỉnh khó cạnh tranh ở thị trường đòi hỏi tính tiện ích và độ an toàn cao như ở châu Âu.
Trong khi đó, đối với mặt hàng tôm, hiện phần lớn các HTX, DN còn sản xuất theo mô hình nhỏ, lẻ, thiếu sự liên kết. Các HTX, DN cũng chưa chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến tôm, bao bì, nhãn mác, thương hiệu. Thực tế cho thấy, các sản phẩm tôm của tỉnh phần lớn xuất khẩu qua một đơn vị trung gian khác, hoặc có khi phải khoác thương hiệu nước ngoài nên khó cạnh tranh tại EU.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang bị EC rút thẻ vàng cảnh cáo đối với thủy sản. Đây cũng là lực cản khiến thủy sản xuất khẩu của tỉnh gặp không ít khó khăn. Việc không nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng sẽ gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu hải sản sang EU, sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.
Theo đại diện Công ty TNHH Ngọc Tùng (TP. Vũng Tàu), hệ lụy từ việc EC cảnh báo thẻ vàng với thủy sản Việt Nam đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Công ty. Cụ thể lượng hàng xuất khẩu vào EU của Công ty đã sụt giảm. Trong khi đó, 100% nguyên liệu của công ty đều được thu mua tại BR-VT. Do đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước để ngư dân thay đổi dần thói quen đánh bắt từ truyền thống sang đánh bắt hiện đại có các phương tiện giám sát hành trình, nhật ký đánh bắt. Có như vậy, EC sẽ xem xét gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Trước những hệ lụy của thẻ vàng thủy sản, BR-VT đã quyết liệt vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chạy đua góp phần gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; khoanh vùng các tàu có nguy cơ cao vi phạm để giám sát đặc biệt và xử lý mạnh mẽ tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; giám sát tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và rà soát lại quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy, nhằm kiểm tra chặt chẽ nguồn nguyên liệu của các DN xuất khẩu.
(Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh)
Để tận dụng được các ưu đãi của thị trường các DN phải tự mình thay đổi để thích nghi với các quy tắc về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, cũng như các rào cản thuế quan, phi thuế quan của từng nước. Về phía tỉnh, sẽ tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời cung cấp thông tin về thị trường và mặt hàng xuất khẩu, các lưu ý và cảnh báo đối với các thị trường thông qua website của Sở, hoặc các buổi hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn về hội nhập; cũng như các chính sách mới về thuế, hải quan, cạnh tranh, chống bán phá giá, hội nhập kinh tế quốc tế…
(Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương)
|
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tường cho biết, thẻ vàng là lực cản lớn nhất đối với việc xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU. Nếu Việt Nam không nỗ lực để EU gỡ thẻ vàng thì nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thủy sản Việt Nam bị xem là không tốt, không rõ ràng dẫn đến lợi thế xuất khẩu vào thị trường này cũng không còn.
EU là thị trường quan trọng với thủy sản, nên để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các DN thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… Đồng thời, các DN cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Ngoài ra, DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hiệp định, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU