Tăng kết nối thị trường trong nước
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do ảnh hưởng dịch COVID-19, hội nghị kết nối giao thương giữa BR-VT và Lâm Đồng diễn ra vào ngày 21/10 vừa qua được kỳ vọng mở ra một cơ hội mới cho các DN trong nước.
Nhân viên Công ty TNHH TM-DV Hải Hiếu và Công ty TNHH tinh dầu Hằng Phan (TP.Vũng Tàu) giới thiệu sản phẩm cà phê và tinh dầu tại buổi kết nối giao thương. |
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Giới thiệu đến hội nghị kết nối giao thương sản phẩm mắm ruốc, bà Đỗ Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại mắm Bà Ba (số 3, Võ Thị Sáu, thị trấn Long Điền) cho biết, rất nhiều DN tỉnh Lâm Đồng tỏ ra thích thú với mắm ruốc đặc trưng của BR-VT. Một số DN còn khẳng định sẽ làm cầu nối để đưa sản phẩm mắm ruốc tiêu thụ tại Lâm Đồng và một số tỉnh lân cận. “Trước đây, mỗi tháng DN tiêu thụ 3-4 tấn mắm ruốc, chủ yếu bỏ sỉ cho các thương lái tại Trung tâm thương mại Bà Rịa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây. Thế nhưng, hiện nay sản lượng tiêu thụ giảm hơn 40%. Trong tình hình DN gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ thì hội nghị kết nối giao thương sẽ giúp DN có điều kiện kết nối, giới thiệu sản phẩm ra với tỉnh bạn”, bà Đỗ Thị Mai nói thêm.
Trong chương trình hội nghị, đại diện các DN Lâm Đồng và BR-VT đã giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình, trong đó nổi bật là các sản phẩm atiso, cà phê, hoa, rau củ sạch, đông trùng hạ thảo, trà olong, trà thảo dược, hồng treo gió, khăn lụa, cà phê phin giấy… Đánh giá từ các DN cho thấy, hội nghị kết nối giao thương này đã phát ra những tín hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội cho các DN tìm thêm đối tác để mở rộng kênh phân phối. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân, tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Đây là dịp thuận lợi để một DN ở vùng xa như chúng tôi gặp gỡ khách hàng, đối tác. Sau khi hội nghị kết thúc, thông qua các DN của BR-VT đã có một số đối tác liên hệ tìm hiểu về các mặt hàng của công ty như trà túi lọc thảo dược, sâm đương quy, nấm linh chi… để liên kết làm đầu mối tiêu thụ”.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ DN KẾT NỐI, GIAO THƯƠNG
Theo ông Hoàng Trọng Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, tham gia kết nối giao thương là cơ hội để các DN đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các thị trường lân cận, tạo chuỗi cung ứng khép kín, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.
Tại hội nghị kết nối giao thương lần này, các doanh nghiệp BR-VT và Lâm Đồng đã ký kết 14 biên bản ghi nhớ hợp tác. Ngành công thương 2 tỉnh đã cam kết, sẽ linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách về môi trường đầu tư, mở rộng thị trường, kênh phân phối nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp 2 tỉnh giao thương thuận lợi. |
Từ năm 2013 đến nay, ngành công thương đã tổ chức cho các DN tham gia 11 chương trình kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh (6 chương trình thực hiện tại tỉnh và 5 chương trình thực hiện ngoài tỉnh). Qua mỗi lần tổ chức chương trình, các DN sản xuất, các nhà phân phối gặp gỡ trao đổi, thỏa thuận trực tiếp về việc hợp tác kinh doanh, từ đó hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững. Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thông qua hoạt động kết nối giao thương, các nhà quản lý thực hiện tốt hơn nhiệm vụ điều phối, kiến tạo để các nhà sản xuất, nhà phân phối cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, khơi thông dòng chảy hàng hoá nội địa sau dịch COVID-19. Đồng thời, khi tiếp cận với các DN của tỉnh bạn, các DN trong tỉnh sẽ tự đánh giá được sản phẩm của mình như thế nào, đang ở trong giai đoạn nào, vị trí nào để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm tốt hơn nhằm mở rộng thị trường.
Từ hoạt động kết nối giao thương, nhiều chương trình ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện, giúp DN từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu, đồng thời người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN